Tiếng Việt | English

13/11/2023 - 08:57

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hiện đại hóa nền hành chính nhà nước

Thời gian qua, các địa phương tỉnh Long An tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh.

Hiện 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Tân Thạnh được kết nối với nhau thông qua mạng nội bộ

Tập trung thực hiện chuyển đổi số

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: Huyện ban hành nhiều văn bản thực hiện chuyển đổi số (CĐS) và triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, UBND cấp xã triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức (CBCC), người lao động tích cực ứng dụng CNTT trong các hoạt động.

Đến nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND cấp xã trên địa bàn huyện Tân Thạnh triển khai ứng dụng tốt các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn như phần mềm: Quản lý CBCC, Quản lý văn bản và điều hành công việc, Một cửa điện tử, Hệ thống thư điện tử của tỉnh,... Hiện văn bản phát hành điện tử được huyện sử dụng chữ ký số đạt 100%; số lượng hồ sơ cập nhật trong năm đạt 100%; số hóa giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính: Scan đầu vào đạt trên 97%, scan đầu ra đạt trên 80%, số hộp thư điện tử sử dụng thường xuyên đạt 100%,...

Theo ông Lê Thanh Đông, hiện 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện được kết nối với nhau thông qua mạng nội bộ; 100% UBND cấp xã đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Năm 2023, UBND huyện chọn triển khai, thực hiện thí điểm CĐS tại 4/13 đơn vị cấp xã. Các đơn vị còn lại, huyện cũng khảo sát, thống kê hộ gia đình, tổ chức nhằm phục vụ hoạt động CĐS đến 100% đơn vị cấp xã.

Để triển khai, thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS, huyện Tân Trụ tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về CĐS cho CBCC; hướng dẫn CBCC đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cách nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn CBCC sử dụng hệ thống quản lý tổng thể các hoạt động của UBND;...

Người dân đến bộ phận “một cửa” của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Tân Trụ dễ dàng đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến

“Sau khi được tập huấn, CBCC có thêm kiến thức, kỹ năng khai thác tốt các nền tảng công nghệ số phục vụ công việc. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn trên địa bàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bảo đảm các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra” - Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin.

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Theo ông Trịnh Phước Trung, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, thời gian tới, huyện Tân Trụ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

“UBND huyện thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh sử dụng các phần mềm bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu; chú trọng trang thiết bị, máy móc phục vụ họp trực tuyến được bảo đảm, phục vụ các cuộc họp tại điểm cầu của huyện do Trung ương, tỉnh chủ trì” - ông Trịnh Phước Trung nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thanh Đông, thời gian tới, cùng với việc sử dụng các phần mềm quản lý văn bản, huyện Tân Thạnh chú trọng đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành công việc được kịp thời, nhanh chóng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ CBCC, viên chức theo hướng hiện đại.

Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT kết hợp với thực hiện các giải pháp về CĐS quốc gia góp phần hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh./.

Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời Cách mạng công nghệ 4.0 và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn”.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết