Quán triệt chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế
Thời gian qua, tỉnh tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới. Song song đó, tỉnh thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 17/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc triển khai, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhờ phát huy nội lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Long An thu hút đầu tư khá tốt, thúc đẩy phát triển KT-XH
Bên cạnh đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và nâng cao năng lực thực thi pháp luật cũng được quan tâm thông qua công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản QPPL quy định một số cơ chế, chính sách thực hiện tại địa phương. Các văn bản được ban hành đều thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, tính khả thi, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, nhiều văn bản, kế hoạch được ban hành, triển khai để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao theo chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, thực hiện phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Hội nhập để phát triển
Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình khác của Trung ương, tỉnh. Đồng thời, tỉnh khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa với các địa phương lân cận, góp phần phát triển kinh tế và xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng, ban hành các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định, phù hợp với các cam kết quốc tế, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực triển khai các giải pháp để nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh cũng nâng cao chất lượng công tác dự báo, đánh giá tình hình KT-XH, quốc phòng - an ninh, đối ngoại để phục vụ xây dựng các mục tiêu, định hướng, giải pháp, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh phù hợp với quá trình hội nhập của đất nước.
Công tác chuyển đổi số được tỉnh đẩy mạnh thực hiện, bước đầu đạt những kết quả tích cực. Tỉnh đã xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh và Cổng dữ liệu mở của tỉnh (ttps://data.longan.gov.vn); thành lập Tổ công tác và triển khai, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đưa vào vận hành ứng dụng “Long An Số”, hệ thống Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (Tổng đài 1022) - kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, qua đó giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, sử dụng các nền tảng số (thanh toán trực tuyến, tiếp cận thương mại điện tử, mua hàng qua mạng, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục,….) và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người dân cài đặt, sử dụng.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 165 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.525 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo duy trì cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; đã kết nối nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia - Paygov (kết nối với các trung gian thanh toán ViettelPay, VNPTPay, Ngân lượng, Payoo).
Trong năm 2022, tỉnh tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 4 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh gồm: KCN Tandoland (250ha), KCN Prodezi (400ha), KCN Tân Tập (654ha), KCN Lộc Giang (466ha). Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm, đạt một số kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 KCN đang hoạt động, thu hút 1.762 dự án đầu tư. Đối với cụm công nghiệp (CCN), tỉnh có 23 CCN đang hoạt động, thu hút 688 dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15.226 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 362.731 tỉ đồng. Đối với thu hút đầu tư trong nước, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.175 dự án với số vốn đăng ký 221.898 tỉ đồng. Đối với đầu tư nước ngoài, có 1.158 dự án, tổng vốn trên 10 tỉ USD. Đặc biệt, trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và trong nước. Qua đó, có nhiều đoàn DN đến làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Long An. Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư hạ tầng K,CCN để tạo thêm quỹ đất thu hút đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tái cơ cấu ngành nghề trong các K,CCN nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, gắn kết với phát triển dịch vụ công nghiệp; kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Long An. Nhờ đó, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng ước đạt 6,7 tỉ USD (đạt 104,69% kế hoạch), tăng 8,94% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,1 tỉ USD (đạt 102% kế hoạch), tăng 1,59% so cùng kỳ, cùng sự tham gia của trên 900 DN xuất, nhập khẩu của tỉnh, đã xuất khẩu đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu đa dạng và chuyển dần từ nhóm hàng nông sản sang nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 83%, hàng nông lâm, thủy sản chiếm 17%.
Để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực; tăng cường đối thoại DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho DN và người dân. Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích của DN đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch vùng, liên vùng; thu hút các thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với những sản phẩm chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN./.
Mai Hương