Cả nước đã có 70,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chính phủ vừa đặt ra mục tiêu mới, đó là nâng mức người tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2020 từ 80% lên 90%.
Để đạt được mục tiêu trên, công cuộc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đang được triển khai quyết liệt, nhiều chương trình tham gia bảo hiểm y tế đã được Chính phủ và các bộ ngành ưu tiên.
450 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo và đề xuất một số kiến nghị để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Thực tế, hiện nay Chính phủ đã giao địa phương huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ cận nghèo nhưng một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ một phần mức đóng còn lại này. Hầu hết các tỉnh chưa hỗ trợ được hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình hay học sinh sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con khó khăn về kinh tế.
Để tăng mức bao phủ bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thị Minh đề nghị nghị tăng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm cận nghèo từ 70% lên 100%, nhóm học sinh sinh viên từ 30% lên 50%, nông-lâm-diêm nghiệp từ 30% lên 50%, hộ gia đình chưa hỗ trợ nay đề nghị hỗ trợ 10%.
Đến thời điểm này, cả nước đã có 70,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt khoảng 78% dân số, tăng 0,83 triệu so với năm 2015 và đang nỗ lực mở rộng.
Theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước tính nguồn kinh phí sử dụng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên là 450 tỷ đồng. Trong số này sẽ huy động nguồn kết dư 250 tỷ đồng, ngoài ra các địa phương cần huy động các nguồn lực khác.
Cùng quan điểm này ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất nâng mức nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thêm 20% và hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%... Ông Chung đồng thời nhấn mạnh việc rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm y tế, tránh hiện tượng trốn đóng cho người lao động.
Với những đối tượng được ngân sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần như người nghèo, trẻ em, nông dân, ngư dân… vừa qua khi ngân sách địa phương cùng hỗ trợ với ngân sách Trung ương thì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng lên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần xem xét phương án mở rộng hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện lúc đầu, hiện mới chỉ đạt 10%.
Báo cáo từ một số địa phương cho biết sau khi có thông tin điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì tỷ lệ người mua bảo hiểm y tế tự nguyện đã tăng lên.
"Chúng ta có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sau khi tính vào giá dịch vụ trong khi hiện nay chúng ta dành 11.000 tỷ đồng mỗi năm chi lương cho ngành y tế. Tôi đề nghị ngân sách không giảm khoản này và chuyển sang hỗ trợ cho một số đối tượng mua bảo hiểm y tế tự nguyện lần đầu từ năm 2017. Các bộ cần bàn cụ thể không chỉ hỗ trợ cho nông dân, ngư dân nghèo, cận nghèo mà cần mở rộng hỗ trợ người mua lần đầu, mua theo hộ gia đình, để người dân quen dần với việc mua và sử dụng bảo hiểm y tế," Phó Thủ tướng gợi ý.
Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho ngư dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Mở thị trường bảo hiểm cao cấp
Về giải pháp để hút người dân mua thẻ bảo hiểm y tế, theo bà Minh, Bảo hiểm Xã hội cũng sẽ chủ động mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới làm đại lý thu bảo hiểm y tế. Theo đó, ngoài các đơn vị đang thực hiện có thể huy động các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên, điểm trạm bưu điện…đảm bảo người dân có thể mua bảo hiểm y tế tại bất kỳ đại lý nào trên toàn quốc.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội cần nghiên cứu, xem xét ngoài việc bán dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản thì phải mở ra thị trường bảo hiểm y tế cao cấp hơn, đây chính là phát triển thị trường bảo hiểm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Không nước nào tự nhận mình tiến bộ mà lại không có hệ thống bảo hiểm cho toàn dân, trong đó có bảo hiểm y tế, chưa kể bảo hiểm xã hội hiện nay mới có 25% người tham gia. Từ trước đến nay người dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, vì vậy, đây là cuộc vận động lớn để thay đổi thói quen của người dân, cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin truyền thông.”
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình./.
Thùy Giang/Vietnam+