Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BHYT toàn dân, tổ chức sáng nay (3/6), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2015, chỉ tiêu bao phủ BHYT trên 76,5% dân số.
Tính đến đầu năm nay, đã có gần 71 triệu người tham gia BHYT và đang nỗ lực để nâng tỷ lệ tham gia BHYT lên 78% dân số. Với tỷ lệ tham gia này, theo thống kê của Bộ Y tế, số lượt khám chữa bệnh BHYT đã tăng qua các năm, năm 2014 là 136 triệu lượt, năm 2015 là khoảng 150 triệu lượt. Số tiền khám chữa bệnh BHYT năm 2015 lên tới 50.000 tỷ đồng, ngày càng nhiều người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BHYT toàn dân
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương huy động cả nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hồ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Thế nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, khó khăn về kinh tế... BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương ngay trong năm 2016, hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng này khoảng 450 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam cũng nêu lên một thực trạng rất rõ là lộ trình điều chỉnh của dịch vụ y tế còn chậm, chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để khuyến khích người dân tham gia BHYT, cách tuyên truyền tốt nhất là cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không được phân biệt giữa người khám BHYT và khám dịch vụ. Trực tiếp đi khảo sát tại các bệnh viện tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh lân cận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã có tiến bộ, nhưng vẫn có sự phân biệt giữa khám BHYT và khám dịch vụ.
Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo cao nhất 63 tỉnh, thành quan tâm tham dự, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe người dân. Mọi ý kiến đều đồng tình đến năm 2020 có trên 90% tham gia bảo hiểm y tế.
Về một số tồn tại, Thủ tướng nêu rõ, cấp ủy chính quyền một số địa phương chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo Luật BHYT tại địa phương, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, người dân vẫn thiếu thông tin về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT.
Hiện tỷ lệ bao phủ của nhiều địa phương thấp, 31 địa phương độ phủ dưới 75%. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh dùng thẻ BHYT tuy có chuyển biến, nhưng chưa được cải thiện nhiều, chưa đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh. Công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở BHYT của BHXH còn rườm rà, khiến nhiều cơ sở chưa yên tâm.
Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo: “Tham gia BHYT là bắt buộc, đã được quy định trong Luật, và đây là quyền lợi và trách nhiệm toàn dân, hướng tới BHYT toàn dân. Quyết tâm đến năm 2020 đạt trên 90% người dân tham gia BHYT. Sẽ có một quyết định chính thức về vấn đề này để giao nhiệm vụ, sau khi có thảo luận dân chủ, cởi mở, tháo gỡ các vướng mắc. Trước hết là 63 Bí thư, 63 Chủ tịch phải làm việc này vì dân”.
Để các đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ mua BHYT, Thủ tướng đồng ý trong năm 2016, sử dụng 200 tỷ kết dư BHYT cấp Trung ương và 200 tỷ kết dư BHYT các địa phương. Điều này đúng với Luật định đã ban hành và đã có thông tư hướng dẫn của các bộ có liên quan. Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng chỉ đạo phải nâng cao chất lượng khám bệnh BHYT, tránh phân biệt đối xử.
“Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không phân biệt người khám bằng thẻ BHYT, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia khám chữa bệnh, dùng thẻ BHYT để thanh toán, không phải dùng tiền túi khi khám chữa bệnh. Muốn thế ngành Y tế phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các bệnh viện, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông báo chí tham gia giám sát”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc thực hiện nghiêm việc kết nối liên thông dữ liệu từ 30/6. Thủ tướng nhấn mạnh là giao cho một đầu mối là Tập đoàn Viettel, đảm nhận kết nối tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thống nhất chung.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu đưa tỷ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm, 5 năm, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2017 các địa phương bố trí ngân sách, hỗ trợ người dân mua BHYT tùy từng đối tượng người nghèo, cận nghèo, các hộ khác theo quy định.
Đối với Bộ Tài chính làm việc với BHXH Việt Nam, dùng kết dư quỹ BHYT vào cân đối hàng năm; bố trí đầy đủ kịp thời ngân sách để hỗ trợ mức đóng BHYT theo quy định; xây dựng cơ chế chính sách tham gia BHYT với các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng ổn định để có kế hoạch cân đối ngân sách trung và dài hạn.
Bộ Tài chính cũng đổi mới chi ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực Y tế, theo hướng chuyển dần từ cấp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ mua BHYT gắn với lộ trình tăng giá dịch vụ. Bộ Tài chính khi thu thuế thì thu luôn BHYT.
Để đến năm 2017, 100% đối tượng này tham gia BHYT, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, phối hợp với Trung ương Đoàn, tăng cường thông tin truyền thông, vận động sinh viên tham gia BHYT. Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị giám sát việc vận động, hỗ trợ thực hiện Luật này.
Theo người đứng đầu Chính phủ, làm những việc lớn liên quan đến dân, không có hệ thống chính trị vào cuộc thì khó thành công./.
Vũ Dũng/VOV