Tiếng Việt | English

24/09/2021 - 09:58

Để Luật Tài nguyên nước đi vào thực tế

Tỉnh Long An đề xuất, kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2012 để việc thi hành đạt hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực tế Nhà máy Nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Ảnh minh họa, chụp tháng 4/2021)

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực tế Nhà máy Nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Ảnh minh họa, chụp tháng 4/2021)

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Công tác quản lý, khai thác TNN trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện. Khi Luật TNN năm 2012 có hiệu lực thi hành, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành đạt hiệu quả. Để bảo vệ TNN theo luật quy định, tỉnh đề ra nhiều giải pháp như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước mặt, nhất là đối với nước phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án sử dụng nước mặt được đầu tư, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn nước mặt hiện có.

Dự án Nhà máy Nước Nhị Thành (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, do Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An làm chủ đầu tư) là một minh chứng. Nhà máy sử dụng nguồn nước từ hệ thống kênh Rạch Chanh, sau khi xử lý cấp nước sạch cho người dân đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhà máy có công suất thiết kế 80.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm), cấp nước sạch cho một phần địa bàn Tân An, Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc với lưu lượng thực tế mỗi ngày khoảng 37.000m3. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nhà máy còn phối hợp các địa phương bơm nước thô hòa vào hệ thống, công trình phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.

Đại diện Cty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An - Vũ Anh Tuấn cho biết: Mục tiêu của dự án là sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước mặt và cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Đơn vị tiếp tục nâng công suất theo lộ trình, trong năm 2021, sẽ nâng cấp lên khoảng 60.000m3/ngày đêm. Ngoài những kế hoạch, giải pháp của Cty, đơn vị cũng kiến nghị cần có quy chế, quy định bảo vệ nguồn nước mặt gắn với vấn đề an toàn môi trường. Các bên cần có sự phối hợp, nhất là phối hợp vận hành Âu tàu Rạch Chanh để đề phòng, hạn chế nhiễm mặn và bảo vệ nguồn nước mặt. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước mặt. Qua đó, góp phần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ nguồn nước ngầm nói riêng và bảo vệ TNN trên địa bàn nói chung.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Thái Hòa (huyện Đức Hòa), từ khi tỉnh có chủ trương, đơn vị phối hợp các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trám lấp, đóng bít toàn bộ các giếng khoan (17 giếng) trong khu, vận động các doanh nghiệp thứ cấp chuyển sử dụng nguồn nước mặt hiện có. Nguồn nước cấp của đơn vị cấp nước mặt hiện nay bảo đảm về chất lượng, lưu lượng và giá cả phù hợp.

Hiện tỉnh triển khai, thực hiện kế hoạch đóng bít, trám lấp giếng khoan trên địa bàn huyện Đức Hòa và tiếp tục thực hiện tại các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An trong thời gian tới.

Tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định để thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đạt hiệu quả, phù hợp thực tế (Ảnh tư liệu minh họa)

Tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định để thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đạt hiệu quả, phù hợp thực tế (Ảnh tư liệu minh họa)

Còn một số vướng mắc

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh, công tác thi hành Luật TNN năm 2012 trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN còn thiếu, phân tán; hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông quanh thành phố và khu công nghiệp; việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm nhiều. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm phát sinh thêm nhiều vấn đề, khó khăn cho công tác bảo vệ TNN.

Mặc dù công tác cấp giấy phép về TNN được thực hiện trong nhiều năm nay nhưng đến nay, một số công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành thủ tục cấp phép (do ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp còn thấp; doanh nghiệp chậm trễ trong công tác đề nghị cấp phép mới hoặc gia hạn giấy phép cũ). Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước tuy được tăng cường thực hiện, đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về TNN. Việc điều hòa, phân bổ, quản lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước giữa các ngành, địa phương khác nhau vẫn còn tình trạng chưa thống nhất trong quan điểm. Cùng một con sông, kênh, rạch giáp ranh nhưng việc cấp phép khai thác, xả nước thải của mỗi địa phương có thể áp dụng các giới hạn quy chuẩn khác nhau và chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ đối với vấn đề này.

Các công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn hầu hết đã được xây dựng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai, do vậy việc điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ, phân bổ, điều tiết lại việc khai thác, sử dụng nước của các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp. Tồn tại những quy định chồng chéo, giao thoa, chưa thống nhất giữa các văn bản luật, nghị định được ban hành tại các mốc thời gian khác nhau dẫn đến phát sinh vướng mắc, bất cập, trùng lắp về chức năng khi đưa vào triển khai, thực hiện.

Cụ thể, đối với vấn đề cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, bản chất của quy trình và nội dung cấp phép là không thay đổi nhưng được giao cho các cơ quan chuyên môn khác nhau triển khai đối với các nguồn tiếp nhận nước thải khác nhau dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, thanh tra, chế tài, gây lãng phí trong việc đầu tư trang thiết bị hỗ trợ quản lý. Quy định đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước chưa được hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp công trình xả nước thải đi vào hoạt động và nguồn không còn khả năng tiếp nhận nước thải. Trên thực tế, đối với những công trình xả nước thải vào nguồn nước đã được xây dựng thì hầu hết đã được phê duyệt quy hoạch hoặc đã được đồng ý chủ trương đầu tư. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh nguồn tiếp nhận nước thải hoặc từ chối cấp phép xả nước thải khi nguồn không còn khả năng tiếp nhận nước thải đối với các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp.

Cần sửa đổi phù hợp

Phó Giám đốc Sở TN&MT  - Phạm Tùng Chinh thông tin: Tỉnh đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật TNN năm 2012 để việc thi hành đạt hiệu quả, phù hợp với thực tế. Trong đó, cần thống nhất quy định hoặc ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương giáp ranh trong công tác quản lý, điều hòa, phân bổ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, địa phương; rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, bất cập giữa các ngành, đặc biệt làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa ngành TN&MT và ngành Nông nghiệp trong các vấn đề về quản lý nguồn nước (xả nước thải, cấp nước sinh hoạt,...); phòng, chống xâm nhập mặn, sạt lở; ứng phó biến đổi khí hậu. Ban hành quy định hướng đến việc tinh giản các giấy phép con không cần thiết. Quy định cụ thể các cơ chế, định mức kỹ thuật về TNN để địa phương áp dụng thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, tránh sai sót. Đồng thời, tỉnh đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tổ chức thi hành hiệu quả Luật TNN, trong đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên cho các địa phương.

“Các cơ quan quản lý về TNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp trong thời gian tới, kết hợp theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, kênh, rạch chính” - Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh thông tin thêm./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích