Tiếng Việt | English

17/04/2017 - 09:35

Để nhà nông có cuộc sống tốt hơn

Nhờ thực hiện tốt công tác khuyến nông, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đạt kết quả nhất định, góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, giúp nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.


Làm tốt công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân đưa máy cấy vào sản xuất lúa, giúp năng suất đạt cao hơn so với gieo sạ thông thường

Bám sát thực tế

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), mùa mưa thường kết thúc sớm, nguồn nước tưới bị nhiễm mặn nên người dân một số xã vùng hạ của huyện Tân Trụ chủ động chuyển sang nuôi tôm thẻ, tôm sú. Để hỗ trợ nông dân, Trạm Khuyến nông huyện khảo sát, thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp nuôi cá rô phi, giúp tăng năng suất, đồng thời cải tạo môi trường nuôi tôm. Mô hình được thực hiện năm 2015 tại xã Tân Phước Tây và Đức Tân, sau đó nhân rộng ra địa bàn xã Nhựt Ninh. Sau 20 ngày thả tôm thẻ (trung bình 40-60 con/m2), nông dân làm lồng vèo giữa ao tôm thả cá rô phi để ăn các tạp chất, tảo,...

Ông Trần Trúc Lâm, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi tôm khoảng 3 năm nay nhưng hiệu quả không cao. Được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình kết hợp, tôi áp dụng với diện tích ao nuôi 2.500m2, thả 100.000 con tôm thẻ, sau 20 ngày, tôi làm lồng vèo giữa ao theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và thả tiếp 30kg cá rô phi để cá ăn các loại tảo, tạp chất trong ao tôm. Sau 2 tháng, gia đình thu hoạch được 1,1 tấn tôm thẻ, trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận thu về 30 triệu đồng. Mô hình này giúp giảm chi phí cải tạo ao nuôi, giống vì thả thưa hơn so với thông thường, đồng thời tôm ít bệnh, năng suất cao. Ngoài ra, người nuôi còn có nguồn thu từ bán cá”.


Thông qua các trại giống, Trung tâm Khuyến nông chủ động cung ứng nguồn giống đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất cho người dân (ảnh chụp tại Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười, thị xã Kiến Tường)

Trước sự ảnh hưởng của BĐKH, Trạm Khuyến nông huyện chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo hướng hiệu quả, bền vững, giảm phát thải. Trạm phối hợp các đơn vị liên quan mở lớp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng lúa thích ứng BĐKH (mỗi lớp khoảng 30 nông dân), tập huấn theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch và trình diễn mô hình. Xã Bình Tịnh tập huấn hoàn chỉnh mô hình này (5 buổi), hiện, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục mở các lớp tại xã Đức Tân và Bình Lãng trong năm 2017.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tân Trụ - Kiều Xuân Hải đánh giá, mô hình này giúp nông dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính bằng việc không đốt rơm rạ tràn lan mà giữ lại trên đồng ruộng làm phân hữu cơ. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách tưới tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh thái (trồng hoa có màu sắc trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch).

"Ngoài ra, trạm luôn bám sát thực tế để có phương pháp tăng cường tập huấn kỹ thuật, áp dụng khoa học vào sản xuất cho nông dân, tổ chức các hội thảo, tham quan, sinh hoạt tổ liên kết để nắm bắt tình hình và hướng dẫn nông dân kịp thời trong sản xuất" - ông Hải cho biết thêm.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Trước ảnh hưởng của BĐKH, các cấp, các ngành tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nhiều địa phương áp dụng. Công tác khuyến nông về chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất giống thích ứng với BĐKH được thực hiện nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.


Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Mộc Hóa thực hiện 50ha lúa ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến (ấp 2, xã Bình Hòa Trung) từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Giám đốc HTX Tân Tiến - Huỳnh Văn Cư cho biết: “Sản xuất lúa theo hướng thông minh giúp nâng cao giá trị, chất lượng của nông sản. Vụ Đông Xuân vừa qua, HTX sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 50ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 15-25 triệu đồng/ha. Không chỉ được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật từ việc san bằng mặt ruộng bằng tia laser mà còn hỗ trợ 30% kinh phí giống, 30% chi phí máy cấy để thực hiện. Ngoài ra, từ sự hỗ trợ của trạm khuyến nông, đơn vị ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng miền Nam để sản xuất thêm 41ha lúa giống xác nhận phục vụ HTX và bán lại cho công ty (công ty thu mua cao hơn giá thị trường 800 đồng/kg), giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

Bên cạnh đó, để phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho người dân, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng ra thị trường các loại giống cây trồng, thủy sản xác nhận từ các trại giống. Hiện, toàn tỉnh có 5 trại giống chuyên nghiên cứu sản xuất, cung ứng giống phù hợp với BĐKH do trung tâm quản lý, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn giống xác nhận theo quy định mà còn bảo đảm về số lượng, phục vụ nhu cầu của người dân.

Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường), mỗi năm cung cấp hàng tấn giống thủy sản đạt chất lượng cho người dân. Trại trưởng trại giống - Hồ Thị Thúy Phượng thông tin: Hàng năm, trại giống luôn có kế hoạch thực hiện cấp giống theo chương trình trung tâm khuyến nông đề ra, đạt tiêu chuẩn về chất lượng lẫn số lượng. Trại phối hợp các trạm khuyến nông huyện hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phổ biến cho người dân nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh tái tạo nguồn giống thủy sản, trại giống nghiên cứu sản xuất giống phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Hiện, trại có 5.000m2 mặt nước (17 ao) và 2 ao lắng phục vụ sản xuất giống, chủ yếu các loại cá nước ngọt như cá tra, trê vàng, cá hô,...”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Trịnh Hoàng Việt nhận định, những năm qua, công tác khuyến nông được thực hiện tốt, gắn với thực tế theo các chương trình của tỉnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2017, trung tâm đẩy mạnh các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất giống tại các trại giống trực thuộc; tăng cường truyền thông, tuyên truyền đến với người dân về các chương trình, tập huấn các kỹ thuật áp dụng vào sản xuất trong điều kiện BĐKH phức tạp,... nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phát triển KT-XH địa phương.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở 311 lớp tập huấn: Chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân về sản xuất lúa (101 lớp), rau màu và cây ăn trái (46 lớp), cây công nghiệp (22 lớp), chăn nuôi (85 lớp), thủy sản (57 lớp); riêng các trạm khuyến nông huyện thực hiện 250 lớp tập huấn cho nông dân.

Trung tâm còn tổ chức 38 điểm trình diễn thực nghiệm và 38 hội thảo tổng kết tại địa bàn trình diễn với 1.782 lượt người dự, phân theo nhóm sản xuất lúa, rau màu, thủy sản,... Các trại giống cung ứng ra thị trường gần 3.000 tấn lúa giống, 280 tấn mía giống.

Trại giống thủy sản Bình Cách (huyện Châu Thành) cung cấp 25.000 con cá tai tượng giống, 12.000 con cá tra giống, 900 con cá hô giống, 650kg cá sặt rằn giống,... Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười cung cấp 700.000 con cá trê vàng bột giống, 662,5kg cá trê vàng giống, 20.230 con cá tai tượng giống, 221kg cá sặt rằn giống, 526 con cá hô giống,... ./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết