Tiếng Việt | English

11/11/2024 - 14:29

Để phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên di tích

Tỉnh Long An đang nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị các Di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên di tích trên địa bàn.

Giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch

Toàn tỉnh có 126 DTLSVH, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia, 105 di tích cấp tỉnh. Các di tích không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ mà còn có tiềm năng lớn phát triển du lịch.

Những năm qua, tỉnh quan tâm, chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ DTLSVH trên địa bàn. Điều này vừa thể hiện lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tạo thêm điểm nhấn để phát huy tiềm năng phát triển du lịch về nguồn tại các “địa chỉ đỏ”.

Các Di tích lịch sử - văn hóa ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống còn có tiềm năng phát triển du lịch nếu được đầu tư thêm(Trong ảnh: Đoàn cựu chiến binh Hà Bắc - Long An thăm Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Việt Hằng)

Từ năm 2010-2023, toàn tỉnh có khoảng 40 DTLSVH được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa với tổng nguồn vốn hơn 325 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, có Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), Di tích Khu vực Đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng), Khu Lưu niệm Trung đoàn 271 (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa), Di tích Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành),...

Từ năm 2017, các DTLSVH được phân cấp về cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Điều đó giúp tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của UBND cấp huyện trong công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Châu Thành, việc xây mới, sửa chữa, tu bổ các DTLSVH được đặc biệt chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, huyện đầu tư hơn 31 tỉ đồng tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, DTLSVH và nhà bia ghi danh liệt sĩ trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2024, huyện nâng cấp, sửa chữa 4 công trình với tổng nguồn vốn gần 8 tỉ đồng.

Đối với huyện Tân Thạnh, nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo tồn DTLSVH, mỗi năm, UBND huyện đều cấp kinh phí vệ sinh, quét dọn, chăm sóc các khu DTLSVH trên địa bàn. Cũng nhờ việc phân cấp quản lý, công tác xã hội hóa để trùng tu, chỉnh trang, sửa chữa nhỏ cho các DTLSVH trên địa bàn huyện cơ bản thuận lợi.

"Để bảo vệ và phát huy tốt hơn những giá trị quý báu của các DTLSVH, cần sự chung tay của cả cộng đồng vì bảo tồn di tích là trách nhiệm chung. Việc bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH không chỉ là bảo tồn vật chất mà còn là giá trị về tinh thần, bản sắc dân tộc”.

Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Thành Thanh

Việc tập trung nguồn lực từ tỉnh đến địa phương cho công tác đầu tư, tôn tạo các di tích góp phần thực hiện tốt giáo dục truyền thống gắn với tham quan, du lịch, đưa các DTLSVH trở thành một bộ phận quan trọng trong tài nguyên du lịch của tỉnh. Số lượng khách tham quan đến với các DTLSVH ngày càng nhiều hơn. Nếu năm 2022, Bảo tàng - Thư viện tỉnh và các di tích do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trực tiếp quản lý tiếp đón hơn 14.000 lượt khách tham quan thì năm 2023, con số này tăng lên hơn 40.000 lượt.

Trong 9 tháng năm 2024, gần 30.000 lượt khách tham quan đến với Bảo tàng - Thư viện tỉnh và các di tích, công trình văn hóa do Sở VH-TT&DL trực tiếp quản lý. Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh có hơn 67.000 học sinh, đoàn viên, thanh niên đến học ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các DTLSVH.

Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Thành Thanh khẳng định: “Các DTLSVH ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống còn có tiềm năng phát triển du lịch nếu được đầu tư thêm các dịch vụ phụ trợ và các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Từ việc phát triển du lịch, mục tiêu giáo dục truyền thống sẽ được phát huy tối đa; đồng thời, mang lại nguồn kinh phí đầu tư trở lại cho việc bảo quản và tu bổ các di tích”.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các DTLSVH gắn với phát triển du lịch góp phần thiết thực vào việc thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-TU, ngày 04/01/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo, bởi DTLSVH là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Đoàn viên, học sinh  tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Xứ ủy  và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (Ảnh: Trần Thoa)

Những điều còn trăn trở

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong suốt thời gian qua thì công tác trùng tu, bảo tồn các DTLSVH trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Theo đánh giá của UBND tỉnh về công tác bảo tồn, bảo tàng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, do việc đầu tư thực hiện dự án xây dựng các di tích còn dàn trải, thiếu tập trung, kéo dài nhiều năm nên phát sinh tình trạng đa số dự án đều chưa hoàn thành trong khi các hạng mục xây dựng trong giai đoạn đầu của dự án đã xuống cấp nghiêm trọng.

Kinh phí ngân sách cấp chưa đáp ứng công tác duy tu, bảo dưỡng các hạng mục di tích. Trong đó, có thể kể đến DTLS cấp quốc gia Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, DTLS Cách mạng tỉnh hiện bị hư hỏng các ngôi nhà thuộc cụm di tích gốc, nhà trưng bày, nhà bia cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Bên cạnh đó, diện tích xây dựng rộng nên việc chăm sóc, bảo dưỡng cây cảnh, thảm cỏ trong một số khu di tích cấp quốc gia gặp khó khăn do thiếu kinh phí và nhân lực. Công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào các di tích còn chậm do vướng nhiều quy định của pháp luật dẫn đến một số khu di tích không có các dịch vụ phụ trợ như ăn uống, quà lưu niệm, trò chơi,... Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc khai thác phát triển du lịch tại các điểm đến.

Việc quản lý DTLS cũng gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt đối với các di tích khảo cổ. Một số di tích, nhất là di tích khảo cổ được xếp hạng đã lâu nhưng chưa có kế hoạch, dự án trùng tu, tôn tạo như cụm phế tích kiến trúc Bình Tả, di tích An Sơn. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết, di tích khảo cổ có tính đặc thù riêng. Việc bảo quản, đầu tư, khai thác các di tích khảo cổ cần được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn. Nếu không, các di tích khảo cổ dễ rơi vào tình trạng “hoang hóa”.

Với những khó khăn đó, việc khai thác, thu hút du khách đến với các khu DTLSVH ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của Bảo tàng - Thư viện tỉnh, việc tham quan, học tập của đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh và các DTLSVH có lúc, có nơi còn nặng về hình thức, qua loa. Nhiều đoàn chỉ đến với di tích, Bảo tàng - Thư viện tỉnh trong một thời gian ngắn rồi tranh thủ đi tham quan, du lịch ở các điểm khác.

Tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH nhưng trên thực tế, hành trình đó còn nhiều thách thức. Để bảo vệ và phát huy tốt hơn những giá trị quý báu của các DTLSVH, cần sự chung tay của cả cộng đồng vì bảo tồn di tích là trách nhiệm chung. Việc bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH không chỉ là bảo tồn vật chất mà còn là giá trị về tinh thần, bản sắc dân tộc./.

Để bảo vệ và phát huy tốt hơn những giá trị quý báu của các DTLSVH, cần sự chung tay của cả cộng đồng vì bảo tồn di tích là trách nhiệm chung. Việc bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH không chỉ là bảo tồn vật chất mà còn là giá trị về tinh thần, bản sắc dân tộc”.

Ứng dụng công nghệ VR360 vào số hóa di tích lịch sử

Ứng dụng công nghệ VR360 vào số hóa di tích lịch sử 

Với công nghệ VR360, Tỉnh Đoàn mang đến trải nghiệm khám phá hoàn toàn mới về các di tích lịch sử. Người dùng như được bước vào không gian di tích, chiêm ngưỡng từng chi tiết một cách sống động và chân thực.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết