Tiếng Việt | English

08/01/2023 - 10:20

Di tích khảo cổ học Gò Chùa: 'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ

Nằm lọt thỏm giữa vùng ruộng lúa mênh mông, Di tích khảo cổ học Gò Chùa (ấp 1, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Di tích khảo cổ học Gò Chùa có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ

Di tích khảo cổ học Gò Chùa được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2021. Bí thư Đoàn thị xã Kiến Tường - Nguyễn De Goonl cho biết, hàng năm, vào Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân,... Đoàn Thanh niên trên địa bàn tổ chức dâng hương, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, các nhà bia truyền thống và tham quan một số “địa chỉ đỏ” cách mạng. Đặc biệt, nhiều cơ sở Đoàn tổ chức tham quan Di tích khảo cổ học Gò Chùa nhằm giúp lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), học sinh có thêm kiến thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là những cứ liệu quan trọng về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân văn hóa Óc Eo nói chung và cộng đồng cư dân cổ vùng đất Đồng Tháp Mười nói riêng trong không gian văn hóa - lịch sử Nam bộ.

“Hiểu được ý nghĩa đặc biệt của Di tích khảo cổ học Gò Chùa nhân chuyến làm công tác từ thiện, xã hội tại xã biên giới Thạnh Trị, ĐVTN Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đến tham quan, tìm hiểu di tích này; đồng thời, tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, sự chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng của cha ông để giữ gìn từng tấc đất biên cương, dựng từng cột mốc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia. Qua đây, góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi ĐVTN trong công cuộc giữ nước, dựng nước thời kỳ mới” - Bí thư Đoàn cơ sở Sở Tư pháp - Mai Hoàng Sơn Lâm chia sẻ.

Anh Nguyễn De Goonl thông tin, Di tích khảo cổ học Gò Chùa được phát hiện từ năm 1989 bởi những cán bộ của Bảo tàng tỉnh, có diện tích gần 2.800m2. Năm 2018, Bảo tàng - Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) và Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Kiến Tường tiến hành đào thám sát, bước đầu cho thấy là di tích có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII, thuộc hệ thống di tích kiến trúc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Những phát hiện kiến trúc gạch trong các hố thám sát được tư liệu hóa bằng các bản vẽ, cao trình và bản ảnh cụ thể. Đây là một di tích kiến trúc cổ gồm nhiều kiến trúc có quy mô nhỏ được xây dựng theo một bình đồ chung, thống nhất và đồng hướng, khả năng có cùng niên đại. Gạch xây dựng trong các kiến trúc gồm 2 loại: Màu xám trắng và nâu đỏ, bên trong có màu xám đen điển hình của gạch trong văn hóa Óc Eo miền Tây Nam bộ.

So với các di tích văn hóa Óc Eo có dấu tích kiến trúc cổ đã được phát hiện ở vùng trũng Đồng Tháp Mười của tỉnh, kiến trúc Gò Chùa là di tích có quy mô tương đối lớn và còn khá nguyên vẹn. Đây là một trong những di sản văn hóa quý báu, có ý nghĩa quan trọng để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng và đưa vào khai thác du lịch, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích