Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khám bệnh cho trẻ. Ảnh: MAI HẢI
Số ca bệnh tăng nhanh
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, lo ngại cho biết, hiện nay dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, với số người mắc tăng nhanh. Mặc dù số người mắc SXH trong những tháng qua của năm 2015 đang có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ năm 2014 (cả năm 2014 cả nước chỉ có khoảng 31.000 người mắc SXH) nhưng so với giai đoạn 2009 - 2013 vẫn thấp hơn. Lý giải về dịch SXH đang tăng cao, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, SXH là bệnh lưu hành quanh năm ở hầu hết các tỉnh, thành phố và có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Tại Việt Nam, số người mắc SHX trung bình hàng năm dao động từ 50.000 - 100.000 trường hợp. Tuy nhiên cần phải lưu ý, dịch bệnh SXH có tính chất chu kỳ, bùng phát 4 - 5 năm/lần, nên năm 2015 là năm được nhận định dịch SXH vào chu kỳ bùng phát với số người mắc tăng cao, sau khi năm 2014 là năm có số ca mắc thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Liên quan tới đường lây của SXH, đại diện Bộ Y tế cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Tuy nhiên qua các nghiên cứu và điều tra dịch tễ cho thấy, đến nay chưa ghi nhận trường hợp muỗi truyền bệnh SXH kháng hóa chất mà cơ quan chức năng phun phòng bệnh. Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, virus truyền bệnh SXH có tới 4 tuýp gồm D1, D2, D3 và D4 và một người khi mắc bệnh với 1 tuýp thì chỉ có miễn dịch với tuýp đó mà thôi. Chính vì vậy người đó vẫn có khả năng mắc bệnh khi nhiễm các tuýp virus khác và khi bị mắc tuýp virus SXH khác thì thường bệnh nặng và nguy hiểm hơn.
Phòng bệnh: Diệt muỗi
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, SXH đang lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực như: Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do SXH khoảng 2,5% - 5%. Đến nay, SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Thường xuyên xúc rửa các dụng cụ chứa nước để phòng chống SXH
Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ đối với 18 ca tử vong do SXH ở nước ta trong thời gian qua cho thấy đa số các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng vì tự điều trị ở nhà, thậm chí có trường hợp đã biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, do SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng.
Để phòng ngừa có hiệu quả dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; đối với thau rửa, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Đặc biệt lưu ý khi có biểu hiện của SXH (sốt, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng...) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, nhằm tránh biến chứng nguy hiểm./.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng chống SXH Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1632/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch SXH và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch; các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT huy động giáo viên, HS-SV tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch SXH của ngành y tế. Các cơ quan truyền thông được yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch SXH; tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bệnh. PHAN THẢO |
Quốc Khánh/Theo sggp.org.vn