
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải điều hành phiên thảo luận tại Tổ 11
Tham gia đóng góp đối với dự án Luật KHCN & ĐMST, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật KHCN năm 2013, bởi sau hơn 10 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển KHCN & ĐMST. Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN & ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo luật cũng đã đưa đổi mới sáng tạo trở thành nội dung xuyên suốt của hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, thể hiện rõ vai trò điều phối của Nhà nước, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, mở rộng không gian thể chế thông qua các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, thúc đẩy mô hình mới và đổi mới cơ chế tài chính, tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, cụ thể: Cần quy định rõ ranh giới giữa “rủi ro được chấp nhận” và “vi phạm pháp luật” vì những rủi ro liên quan đến đạo đức, môi trường, con người cần có giới hạn rõ ràng; đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế đánh giá, phê duyệt và giám sát rủi ro. Vì một đề án có thể được thực hiện nếu được Hội đồng khoa học-đạo đức chấp thuận với biên bản xác nhận mức độ rủi ro và biện pháp phòng ngừa và nên có phân loại các loại rủi ro như kỹ thuật, tài chính, đạo đức và ứng với mỗi loại là khung đánh giá, quản lý tương ứng. Song song đó, bổ sung trong phần giải thích từ ngữ đối với các khái niệm: “Trí tuệ nhân tạo thay thế con người”, “rủi ro được chấp nhận” cũng như cơ chế xử lý vi phạm liêm chính, quản lý nghiên cứu liên quan đến con người và quy trình chấp nhận rủi ro phải được quy định rõ trong các Nghị định của Chính phủ.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đóng góp dự án Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Đối với quy định tại Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương tại Điều 38: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp có rủi ro cao nhưng tiềm năng lớn. Việc miễn trừ trách nhiệm dân sự và hành chính đối với tổ chức, cá nhân quản lý quỹ nếu tuân thủ đúng quy trình là hợp lý nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới và tránh tâm lý sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung về việc đảm bảo sự tham gia của chuyên gia độc lập, đại diện khối tư nhân trong hội đồng đầu tư để giảm tính hành chính hóa hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Về giới hạn mức rủi ro: Nên làm rõ tiêu chí xác lập “ngưỡng rủi ro” và yêu cầu phải có quy trình đánh giá rủi ro cụ thể, tránh trường hợp quá lỏng lẻo gây thất thoát vốn. Về tính công khai minh bạch, cần quy định rõ trách nhiệm công bố thông tin, báo cáo hoạt động của quỹ nhằm tăng cường tính minh bạch và giám sát cộng đồng. Đối với cơ chế phối hợp công - tư, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hình thức phối hợp giữa Quỹ với các nhà đầu tư tư nhân để tránh trùng lặp, xung đột lợi ích hoặc lạm dụng nguồn lực công.
Đối với quy định về Sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp sáng tạo, đại biểu Mỹ Dung cũng đề nghị, dự thảo cần quy định rõ hơn sàn này là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp công ích hay tổ chức xã hội hay là cả các loại hình này. Và nếu là nền tảng số thuê đơn vị chuyên nghiệp vận hành thì cần cơ chế lựa chọn minh bạch, có cạnh tranh. Cơ chế vận hành và giám sát cũng cần có quy định về tiêu chuẩn niêm yết, công bố thông tin của nhà đầu tư tham gia sàn, tránh lừa đảo hoặc rửa tiền qua các giao dịch vốn; đồng thời, bổ sung quy định bảo vệ nhà đầu tư cá nhân thông qua quy định cơ chế kiểm soát rủi ro, yêu cầu tư vấn đầu tư hoặc hạn chế đối tượng được phép đầu tư mạo hiểm thông qua sàn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An tham gia đóng góp dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Tham gia ý kiến đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An đề nghị, Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều 4 và Điều 5 của dự thảo Luật các chính sách ưu đãi cụ thể về tài chính, đào tạo và chuyển giao công nghệ, các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và viện nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực này; đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, nguyên tắc minh bạch thông tin và dữ liệu cần được quy định rõ ràng, bao gồm việc công khai báo cáo an toàn, kết quả kiểm tra định kỳ và dữ liệu liên quan đến năng lượng nguyên tử. Điều này không chỉ giúp nâng cao niềm tin của cộng đồng và các bên liên quan, mà còn tăng cường hiệu quả giám sát và quản lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đại biểu Song An cũng đề nghị bổ sung, mở rộng các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 nhằm tăng cường an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể, cần bổ sung các hành vi bị cấm như sau: Sử dụng, chuyển giao, vận chuyển nguồn phóng xạ sai mục đích hoặc ngoài phạm vi được cấp phép; gian lận trong đăng ký, khai báo, xin cấp phép hoặc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này; đồng thời, bổ sung quy định: “Cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo hồ sơ hoặc tài liệu liên quan đến hoạt động năng lượng nguyên tử nhằm trục lợi hoặc gây cản trở công tác quản lý nhà nước”. Vì các hành vi cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo hồ sơ là việc làm rất nguy hiểm trong công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử.
Về an toàn, bảo vệ bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, đại biểu Song An đề nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ chế giám sát, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, báo cáo định kỳ theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để kịp thời ứng phó, bảo đảm an toàn, an ninh hiệu quả khi xảy ra sự cố. Việc bổ sung này nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý, chủ động phòng ngừa và xử lý sự cố một cách thống nhất; đồng thời, phù hợp với thông lệ và yêu cầu quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình an toàn trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ; yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thực hiện với cơ quan quản lý. Việc bổ sung này nhằm kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; đồng thời, bảo đảm quản lý hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Song An cũng đề nghị bổ sung quy định thành lập “Kho lưu trữ quốc gia đối với chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Theo đại biểu Song An, việc bổ sung này nhằm đảm bảo xử lý và lưu trữ an toàn các chất thải nguy hại, bao gồm nhiên liệu hạt nhân và chất thải phóng xạ từ các cơ sở y tế, công nghiệp. Kho lưu trữ sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, với các biện pháp kiểm soát lâu dài; đồng thời, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định an toàn và báo cáo định kỳ về tình trạng xử lý chất thải, đảm bảo minh bạch và giám sát hiệu quả. Việc này giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường khỏi các nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Cũng tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An tham gia góp ý một số nội dung của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa./.
Kiến Quốc