Tiếng Việt | English

19/03/2024 - 14:28

Đoàn kết xây dựng quê hương và chăm lo đời sống người dân

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Long An quan tâm triển khai các hoạt động phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương. Qua đó, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng địa phương phát triển bền vững và chung tay vì người nghèo.

Người dân đoàn kết tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua do địa phương phát động

Đoàn kết xây dựng quê hương

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025 được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên hiệp thương, phối hợp, thống nhất triển khai sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đoàn viên, hội viên và người dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các mô hình, công trình, phong trào thi đua.

Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp các sở, ngành thực hiện các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới.

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp, với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cho đời sống Nhân dân”, năm 2023, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp các tổ chức thành viên huy động người dân đóng góp thực hiện 1.032 công trình (mỗi khu dân cư một công trình).

Nhờ bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch nên người dân đồng thuận đóng góp hơn 165,9 tỉ đồng, hiến hơn 17.000m2 đất và hơn 3.200 ngày công lao động để thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, môi trường. Từ đó, cảnh quan khu dân cư tại các địa phương có nhiều thay đổi, môi trường được cải thiện, đường giao thông liên xóm, liên ấp, liên xã được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Không chỉ đoàn kết tham gia xây dựng quê hương, hàng năm, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã khơi dậy sức dân trong xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”. Hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp được thực hiện sâu, rộng trong toàn tỉnh.

Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và ngành Công an thực hiện hiệu quả. Nhiều phong trào triển khai, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia như Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự (ANTT) xóm, ấp, khu vực biên giới; Kết nghĩa xã - xã hai bên biên giới; mô hình Tiếng kẻng vùng biên, Camera giám sát ANTT, Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về ANTT, Ánh sáng an toàn về ANTT, Tiếng loa ANTT và Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải.

Theo đánh giá của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cấp MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên còn tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội. Công tác giám sát thực hiện theo kế hoạch hàng năm với nhiều nội dung thiết thực, sát với tình hình thực tế ở địa phương, tập trung giám sát việc các cơ quan nhà nước thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Từ đó, kịp thời phát hiện những hạn chế và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, hoạt động phản biện xã hội được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Hướng dẫn số 90/HD-MTTW-BTT, ngày 21/9/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2023 của huyện Cần Đước, Châu Thành với hơn 58.300 hộ gia đình (đạt 75%/tổng số hộ/huyện).

Cấp huyện chủ trì lấy ý kiến được 33 xã với hơn 57.000 hộ gia đình (đạt 85%/tổng số hộ/xã). Đây là hoạt động nhằm tổng hợp một số ý kiến của người dân chưa hài lòng để thực hiện giám sát và phản biện xã hội, từ đó kiến nghị UBND các cấp khắc phục khó khăn, vướng mắc của người dân.

Chung tay vì người nghèo

Người dân được UBMTTQ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa quan tâm chăm lo về nhà ở

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội được chú trọng. Nhờ sự chung tay đóng góp Quỹ Vì người nghèo do MTTQ Việt Nam các cấp phát động đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, kịp thời giúp nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 2023, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 31,3 tỉ đồng, xây dựng 276 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền hơn 14,4 tỉ đồng; sửa chữa 80 căn nhà với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.

Phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên quan tâm phối hợp, tích cực vận động các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ tiền và 2.580 phần quà tết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng trị giá 1,78 tỉ đồng.

Từ nguồn vận động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Vì người nghèo, UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 17.068 hộ dân với số tiền 11,4 tỉ đồng; 600 phần quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 600 triệu đồng.

Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp chính quyền, các ngành có liên quan vận động nhà hảo tâm tặng hàng trăm ngàn phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, tổng trị giá hơn 69,85 tỉ đồng.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa - Lê Thanh Hà cho biết: “Thời gian qua, thị trấn phân công các đoàn thể phụ trách từng hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ vậy, UBMTTQ Việt Nam thị trấn nắm rõ hoàn cảnh kinh tế của từng hộ gia đình và có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đi đôi tặng quà, chăm lo nhà ở, UBMTTQ Việt Nam thị trấn còn hỗ trợ vốn nuôi vịt xiêm, mua bán nhỏ,... cho người dân. Vì vậy, công tác giảm nghèo của thị trấn hàng năm đều đạt kế hoạch, không để bất cứ hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

Nếu như đầu nhiệm kỳ 2019-2024, hộ nghèo còn 28 hộ (chiếm 1,24%) thì đến nay chỉ còn 19 hộ (chiếm 0,82%)”.Chăm lo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế được MTTQ Việt Nam các cấp xác định là “chìa khóa” giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, ngoài hỗ trợ những phần quà thiết thực, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh còn phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo cách làm kinh tế, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ về con giống; giúp nhau phát triển sản xuất;... Từ đó, hộ nghèo, cận nghèo có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động theo phương châm “hướng mạnh về cơ sở” nhằm có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay khi mới phát sinh.

Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư sẽ được duy trì tổ chức nghiêm túc, chất lượng nhằm tạo sự gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân, góp phần khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự quản, “tương thân, tương ái” trong cộng đồng./.

Năm 2023, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp chăm lo cho các đối tượng chính sách số tiền hơn 18 tỉ đồng. Hội Khuyến học các cấp phối hợp MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên huy động sức dân đóng góp quỹ khuyến học hơn 65 tỉ đồng để trao thưởng, tặng quà cho học sinh hiếu học.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết