Tiếng Việt | English

22/03/2022 - 11:39

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Long An hiện có 21 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ (KH&CN). Hiện không ít DN KH&CN chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, tìm tòi sáng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Công ty Red Sun, mỗi máy hàn hay robot có thể thay thế 10-15 lao động

Tại Công ty Red Sun, mỗi máy hàn hay robot có thể thay thế 10-15 lao động

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Phó Giám đốc Sở KH&CN - Hồ Thị Diệp Thúy cho rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột trong phát triển KT-XH của đất nước. Chủ trương và chiến lược thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, lấy DN làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Thời gian gần đây, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy DN KH&CN cũng được ban hành. Qua đó, DN mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ và làm chủ công nghệ mới, đưa công nghệ trở thành phương tiện, công cụ chủ yếu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đặc biệt tạo ra giá trị gia tăng mới cho hàng hóa.

Công ty (Cty) Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An (Red Sun) là DN sản xuất tấm pin thu năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam, nhà máy đặt tại Cụm công nghiệp Nhựa Đức Hòa (huyện Đức Hòa). Hiện Cty có trên 160 cán bộ, công nhân và người lao động. Theo Phó Giám đốc Cty - Nguyễn Quốc Chinh, nhiều năm qua, ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời có sự cạnh tranh giữa các DN cùng ngành nghề. Để có thể đứng vững trên thị trường, Cty luôn tìm mọi biện pháp để giữ chân khách hàng cũ cũng như tìm kiếm thêm khách hàng mới. Ứng dụng tiến bộ KH&CN là một trong những giải pháp then chốt, đưa DN phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, nếu như trước đây, hầu hết công đoạn làm pin đều bằng thủ công thì nay, Cty đầu tư nhiều loại máy như máy hàn cell, robot, máy ép pin,... Từ đó, Cty hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Chinh, mỗi máy hàn hay robot có thể thay thế 10-15 lao động. Nhờ vậy, năng suất cũng như chất lượng đều tăng lên. Nếu như thời điểm mới thành lập, Cty chỉ có một vài khách hàng thì nay, lượng khách hàng ký hợp đồng thường xuyên hơn 30. Pin được sản xuất phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm gần 90%, 10% còn lại được bán tại Việt Nam thông qua hệ thống showroom của Cty. Cũng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thời điểm mới thành lập, Cty chỉ sản xuất khoảng 0,3MWp/năm, thời điểm này, sản lượng bình quân hàng năm lên đến 30MWp/năm. Nhờ vậy, đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân và người lao động tăng qua từng năm. Năm 2019, Cty được Sở KH&CN công nhận là DN KH&CN.

Giám đốc Cty TNHH MTV Đóng sà lan Nguyên Hồng - Ngô Nguyên Hồng vốn say mê nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ đời sống như máy kéo đất, máy kéo lúa, máy cắt lúa. Năm 2017, ông mày mò nghiên cứu, chế tạo máy gặt đập liên hợp hư, cũ thành máy cuộn rơm, có nhiều cải tiến hơn các loại khác. Máy có thể di chuyển được trên nền đất mềm, vũng lầy. Ngoài đam mê sáng tạo, gia đình vốn có truyền thống nghề cơ khí, ông Hồng còn mở xưởng đóng sà lan dùng để chở vật liệu xây dựng, phà qua sông. Ông Hồng chia sẻ, trước đây, nghề đi sà lan phát triển mạnh, mỗi năm, xưởng đóng 6-7 chiếc nhưng nay đã vắng khách bởi nguồn nguyên liệu cát khai thác từ sông cạn kiệt.

Trước vấn nạn lục bình dày đặc trên sông, ông tiếp tục mày mò, nghiên cứu làm máy vớt lục bình. Nhờ nghiên cứu này, ông vinh dự đoạt giải Nhất của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Long An lần thứ VI. Mỗi chiếc máy vớt lục bình được ông và nhóm thợ làm trong khoảng 1 tháng, giá bán trên 3 tỉ đồng (bao gồm thuế). Bình quân mỗi năm, ông có thể làm được 3-4 chiếc. Máy được bán ở tỉnh Tây Ninh. Hiện một số địa phương khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh cũng đặt mua. Năm 2021, Cty Nguyên Hồng được Sở KH&CN công nhận là DN KH&CN.

Xây dựng chiến lược, mục tiêu kinh doanh

Cty CP Tập đoàn Thái Tuấn hiện có nhiều nhà máy sản xuất, kinh doanh tại Long An, trong đó có Cty CP Deltech tại Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu (huyện Cần Giuộc) và KCN Phúc Long (huyện Bến Lức). Cả 2 Cty này đều đầu tư nhà máy chuyên hoàn thiện sản phẩm may mặc và giặt ủi trên dây chuyền tự động. Trong đó, Cty CP Deltech tại KCN Long Hậu được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận DN KH&CN năm 2020.

Theo đó, cả 2 nhà máy đều đầu tư hàng loạt máy giặt ủi công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới được chuyển giao từ Đức cùng đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản. Với công nghệ giặt ủi hiện đại, nhà máy là một trong những đối tác quan trọng của nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế,... Hiện tại, Nhà máy Deltech áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, ISO 13485:2016 và ISO 14001:2015 giúp hoạt động hiệu quả, kiểm soát nhiễm khuẩn và phát triển bền vững. Nhà máy sử dụng nhiên liệu sạch là khí nén thiên nhiên CNG, công nghệ tiết kiệm nước chỉ với 6 lít nước/kg đồ vải, hóa chất phân hủy sinh học hoàn toàn sau 28 ngày.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn - Trần Hoài Nam, Nhà máy Deltech (KCN Phúc Long) có công suất 2 triệu sản phẩm/năm đã hoàn thành, hoạt động từ trước tháng 12-2021. Nhà máy Deltech tại KCN Long Hậu có công suất 6 triệu sản phẩm/năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Deltech tiếp tục hoàn thiện các khâu trong dây chuyền sản xuất, cải tiến liên tục nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ đã cam kết với khách hàng, nâng cao năng suất lao động và quản lý chi phí tối ưu nhất để nâng cao hiệu quả và gia tăng năng lực cạnh tranh.

Cty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long góp mặt trên thị trường bằng sản phẩm rượu thanh long từ nhiều năm nay. Hiện Cty có 8 sản phẩm, gồm: 5 loại rượu thanh long, rượu ca cao, rượu mận và rượu xoài. Các sản phẩm này được bán ở siêu thị, cửa hàng tiện ích, trên sàn thương mại điện tử. Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ, hợp tác từ DN Hàn Quốc, Cty thử nghiệm thành công thêm 5 loại rượu khác, gồm: Bắp, khóm, dưa hấu, gạo, thanh long (hương vị mới, khác loại từng làm). Giám đốc Cty - Trần Quốc Trọng cho rằng: Việc tập trung nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại rượu là hướng đi mới, giúp Cty đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, đối tác từ phía Hàn Quốc cũng thỏa thuận sẽ chịu trách nhiệm đầu ra.

Các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long

Các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long

Theo bà Hồ Thị Diệp Thúy, DN KH&CN là nơi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học và của các nhà khoa học đưa vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, không ít DN trên địa bàn tỉnh từng bước đưa KH&CN vào đổi mới sáng tạo, giúp DN phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. Đáng chú ý, DN KH&CN cũng chú trọng việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra. Đặc biệt, qua những giai đoạn khó khăn, tại Long An, có không ít DN nhờ áp dụng KH&CN mà phát triển vượt bậc. Nhiều DN KH&CN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước./.

"Không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước đưa khoa học và công nghệ vào đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Long An”.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Hồ Thị Diệp Thúy

Mai Hương

Chia sẻ bài viết