Chuẩn bị đồ cúng và mặc đồ truyền thống để thực hiện Lễ tảo mộ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Sáng 11/4 (nhằm ngày 29/8 Hồi lịch), đồng bào Chăm ở Bình Thuận đã tập trung về tại nghĩa trang người Chăm (hay còn gọi là động đỏ) ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) để thực hiện nghi thức tảo mộ ông bà, tổ tiên, mở đầu cho Tết Ramưwan cổ truyền của người Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà Ni) sống ở Bình Thuận.
Động đỏ nằm ở một động cát cao, cách xa khu dân cư. Để đến được đây, người dân phải đi đò qua một khúc sông rồi đi bộ khá xa. Từ sáng sớm, hàng nghìn người mặc trang phục truyền thống với mâm đồ cúng tươm tất trên tay hào hứng đi tảo mộ.
Điều độc đáo là mộ của người Chăm không xây dựng kiêng cố, chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Những hòn đá này xếp thành những hàng dài đều đặn.
Tại đây, các gia đình bày biện đồ cúng, ngồi vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc.
Thầy Char là người chủ lễ cúng, tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết...
Đồ cúng trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm trầu cau, thuốc, nước uống và bánh kẹo…
Vừa bày biện đồ cúng ông Lư Văn Xuống, ở xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình) cho biết lễ tảo mộ là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan.
Để chuẩn bị cho lễ này, trước đó vài ngày, các tộc họ đã đến làm cỏ, vun cát cho các ngôi mộ.
Lễ tảo mộ là một phong tục, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chăm Bà ni. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng.
Người Chăm ở Bình Thuận có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Nếu người Chăm Bà La Môn có Tết Katê rộn ràng, nhiều màu sắc, cộng đồng người Chăm Bà Ni có Tết Ramưwan.
Tết cổ truyền Ramưwan là sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm.
Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt, Tết Ramưwan của người Chăm gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau như lễ tảo mộ, lễ Và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng chay niệm Ramadan của các thầy Char tại chùa, tháp…
Vào những ngày này, những người Chăm xa quê đều dành thời gian để trở về cúng bái tổ tiên, quây quần cùng gia đình, người thân. Tại các làng Chăm, nhà nào cũng đông vui náo nhiệt, rộn ràng không khí tết.
Chị Đặng Nữ Ngọc Phúc, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình cho biết cũng như mọi năm, để đón Ramưwan, mọi thứ được chuẩn bị tươm tất từ sớm như sắm quần áo mới, sắm sửa lễ vật, làm đồ cúng, trang hoàng đồ vật trong nhà cho gọn gàng, sạch sẽ… với hy vọng một năm mới sung túc, đủ đầy hơn.
Dịp này, để thuận lợi cho bà con đón Tết Ramưwan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con được đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm; động viên đồng bào vui Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất; phòng, chống dịch COVID-19; ổn định về mọi mặt đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Bình Thuận hiện có hơn 39.600 người Chăm sinh sống, chiếm hơn 3% dân số toàn tỉnh, chiếm 39% so với các dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm triển khai, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào Chăm, nhất là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Từ đó, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm cơ bản được thay đổi rõ nét.
Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật như 3/4 xã thuần đồng bào Chăm đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường chiếm 98%.../.
Theo TTXVN