Các hợp tác xã liên kết trong các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: tư liệu)
Nâng cao vai trò kinh tế tập thể
Toàn tỉnh hiện có 269 HTX, trong đó có 207 HTX nông nghiệp với 42.393 thành viên. Hoạt động các HTX có nhiều khởi sắc, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các mô hình HTX thường xuyên được củng cố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng. Nhiều sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương thông qua HTX đã phát triển theo hướng hàng hóa, thúc đẩy hình thành sự liên kết giữa các HTX với nhau, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện một số HTX có mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, các HTX chú trọng đến vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị và thương hiệu như các HTX rau an toàn, HTX nông nghiệp công nghệ cao,...
Ở các khu vực nông thôn, HTX nông nghiệp đang khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong góp phần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tại hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh có 65 HTX nằm trong vùng của chương trình (33 HTX lúa, 16 HTX rau, 14 HTX thanh long và 2 HTX bò thịt), trong đó có 16 HTX điểm (13 HTX nằm trong vùng Đề án HTX điểm nằm trong vùng ứng dụng công nghệ cao và 3 HTX ngoài vùng). Hiện hầu hết HTX đều thực hiện vai trò cầu nối cho thành viên về các dịch vụ như cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm,... góp phần lớn trong xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng thông tin: “Để giúp các HTX hoạt động hiệu quả, các địa phương cần tập trung triển khai, thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ thuế cho HTX, nhất là HTX nông nghiệp. Ngoài ra, để tận dụng tốt nhất những ưu đãi này, các HTX cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý cán bộ, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. HTX phải có quy mô sản xuất và số lượng thành viên phù hợp; lựa chọn mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, trong đó việc xây dựng các HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao là nhu cầu cần thiết. Giám đốc HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) - Lê Văn Chín chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX là việc nhân rộng mô hình còn hạn chế, cơ cấu tổ chức bộ máy chưa đạt yêu cầu, chưa bảo đảm được đầu ra của sản phẩm...”.
Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn do một số nông sản của tỉnh chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Người dân chưa mạnh dạn đầu tư, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, hiệu quả chưa tương xứng,... Nhiều mô hình doanh nghiệp đầu tư và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng có không ít người dân khi được thương lái trả giá cao hơn thì tự ý phá vỡ hợp đồng, khiến cho doanh nghiệp mất niềm tin không muốn đầu tư vào sản xuất,…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Hoàng Huy cho biết: “Với vai trò là cầu nối hỗ trợ HTX và các thành viên, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiều hoạt động lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Trung ương và tỉnh về phát triển KTTT; xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các HTX trong việc sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất các sản phẩm an toàn để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin về giá cả, xu hướng biến động thị trường, nông sản để các HTX chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng cường áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu,…”.
Từ việc liên kết, nhiều HTX và người dân đã chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu bền vững và đầu ra ổn định cho sản phẩm của HTX./.
Song Hồng