Bà Đỗ Thị Ngọc Thúy luôn nở nụ cười dù cuộc sống mưu sinh vô cùng vất vả
Họ không có điều kiện kinh tế vững vàng, chưa thể mang đến cho gia đình cuộc sống đủ đầy về vật chất nhưng họ yêu thương các con, yêu thương gia đình bằng tất cả những gì họ có. Họ đang cố gắng vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để mang đến cho gia đình cuộc sống tốt hơn.
Tại đầu chợ ngã tư, hướng rẽ vào đường Đỗ Trình Thoại, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, gánh xôi của bà Đỗ Thị Ngọc Thúy (SN 1969) đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
15 năm nay, cũng từ gánh xôi này, bà tần tảo nuôi 2 cậu con trai khôn lớn. Mỗi sáng, bà dậy từ 3 giờ, chuẩn bị ra chợ. Gánh xôi của bà có xôi đậu đen và xôi bắp lúc nào cũng nóng hôi hổi, thơm lừng.
Gia đình bà Thúy không mấy khá giả. Lúc đầu, chồng bà chạy xe ôm, bà ở nhà nội trợ. Muốn chia sẻ khó khăn với chồng, bà nấu xôi, tập tành buôn bán.
“Những ngày đầu rất khó khăn, có hôm ế. Tôi mới ra bán, người ta cũng e dè, chưa mua nhiều. Không nản lòng, tôi cứ bán rồi điều chỉnh cách nấu cho hợp khẩu vị nhiều người. Dần dần cũng ổn, được nhiều người thương nên bán đắt hàng hơn" - bà Thúy kể.
Với chõ xôi, bà không những san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng mà còn nuôi 2 người con trai vào đại học. Cả 2 hiện nay đã ra trường và có việc làm ổn định ở TP.HCM.
Mỗi khi nhắc đến con, bà Thúy tự hào: “Các con thương cha mẹ nên cố gắng rất nhiều. Giờ tôi lớn tuổi, con cứ kêu nghỉ ngơi, đừng đi bán nữa nhưng quen rồi, gánh xôi này theo tôi 15 năm nay, nhờ đó mà có "đồng ra đồng vào”.
Hỏi đến bà Thúy, hầu như cả khu chợ đều biết đến câu chuyện "thúng xôi nuôi con vào đại học" của bà - điều mà không phải ai cũng làm được.
Cũng có những người phụ nữ kiên cường vượt qua số phận, một mình làm "điểm tựa" cho các con. Sau khi chia tay chồng, chị Trần Thị Hồng Nga (SN 1985, quê tỉnh Vĩnh Long) dắt theo 2 người con đến tỉnh Long An lập nghiệp. Mỗi ngày, chị thức dậy từ sớm và bắt đầu một ngày mưu sinh với xấp vé số. Chị thường bán ngay khu vực Co.opmart và chợ đêm TP.Tân An.
Khi được hỏi vì sao không chọn nghề khác, chị thoáng buồn: “Tôi từ quê lên đây không quen biết ai, nếu đi làm thì không ai giữ con nhỏ. Mặc dù không kiếm được nhiều tiền nhưng bán vé số, tôi có thể chủ động thời gian chăm sóc con".
Con gái lớn của chị đang học lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), còn đứa con nhỏ chỉ mới 3 tuổi lại bị bệnh tim bẩm sinh. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ít lần con gái xin chị cho nghỉ học để đi làm giúp mẹ trang trải cuộc sống nhưng chị luôn động viên con phải cố gắng học vì có học mới mong thoát nghèo.
“Tôi biết cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi cố gắng lo cho con có thể vào đại học. Con học rất giỏi, mong rằng tương lai con sẽ tươi sáng hơn. Đó là ước mơ lớn nhất của tôi” - chị Nga tâm sự.
Câu chuyện về những người phụ nữ trên không chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ giữa cuộc đời mà còn là nghị lực vươn lên. Những người phụ nữ tần tảo, không quản ngại khó khăn, luôn âm thầm hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Mỗi gánh xôi, mỗi tờ vé số không chỉ mang lại chén cơm, tấm áo mà còn là niềm hy vọng, tình yêu thương vô bờ bến mà họ dành cho gia đình./.
Phương Thảo