Tiếng Việt | English

11/02/2022 - 14:18

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (09/02/1907 – 09/02/2022):

Đồng chí Trường Chinh: Một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta

Đồng chí Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại thôn Hành Thiện, làng Xuân Trường, nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, xuất thân trong một gia đình khoa bảng, quê hương giàu truyền thống lịch sử - văn hóa.

Ngay từ khi còn là học sinh ở Nam Định, từ năm 1923 đến 1926, đồng chí đã tham gia phong trào chống Pháp, đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1927 học ở trường Cao đẳng Thương mại Hà Nội, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và năm 1929 đồng chí vào “Đông Dương cộng sản Đảng” – một trong những tổ chức tiền thân của Đảng.

Là một trí thức sớm nhận thức sắc bén về lực lượng và quyền lợi của nông dân Việt Nam, từ năm 21 tuổi, đồng chí đã cùng 2 người em họ (Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Quyền) lập ra báo Dân cày; sau đó với bút danh Qua Ninh, đồng chí cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp (bút danh Vân Đình) viết tác phẩm Vấn đề dân cày, gồm 3 tập phản ánh đời sống cực khổ và khả năng sức mạnh to lớn của nông dân Việt Nam một khi được Đảng cộng sản giác ngộ và tổ chức.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí vào Đảng và được cử ngay vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương, tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi làm Giám đốc kiêm bí thư chi bộ báo Tin tức. Thời gian từ cuối năm 1930 đến cuối 1936, đồng chí bị tay sai Pháp bắt giam giữ tại các nhà tù Hỏa Lò và Sơn La, luôn vững vàng khí tiết. Ra tù, đồng chí tiếp tục chỉ đạo báo Đời nay (1938), hoạt động trong Ủy ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ, kế đó làm chủ bút báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc kỳ (1940). Như thế, ngay từ những năm tuổi trẻ, đồng chí Trường Chinh đã sớm bộc lộ bản lĩnh yêu nước nhiệt thành và đầy sáng tạo. Bản lĩnh ấy thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ giữa nhãn quan lý luận cách mạng sắc bén với thực tiễn hoạt động gian nan, sôi động và phong phú.

Thời kỳ 1936 – 1939, đồng chí Trường Chinh được đánh giá là người đóng vai trò quan trọng số một trên mặt trận báo chí công khai của Đảng – nhất là qua tờ Tiếng nói của chúng ta (Notre Voix) một tờ báo sắc sảo, giàu tính chiến đấu, thu hút, đăng tải cả những thông tin lồng vào sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản thông qua thư từ bí mật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bút danh P.C Lin) gởi từ nước ngoài về, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa phát-xít và biểu hiện Tơrốtkít,...

Sau khi đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ và đặc biệt sau sự kiện khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, đồng chí Trường Chinh trở thành người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng trong hoàn cảnh cách mạng cực kỳ khó khăn: Tại Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, giữ cương vị quyền Tổng Bí thư và đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Với dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 do đồng chí chuẩn bị được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo, góp ý kiến, Hội nghị Trung ương 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã hoàn thành sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam; đó là Hội nghị lịch sử, có ý nhĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau hội nghị, từ tháng 8/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc liên lạc với Đồng minh và các tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài nhằm chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền, rồi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ; đồng chí Trường Chinh tiếp tục trọng trách chỉ đạo cách mạng Việt Nam, chủ trương dựa vào dân, đề ra sáng kiến thành lập hệ thống liên hoàn giữa các An toàn khu (ATK) từ Hà Nội lên Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Nhờ ATK mà Trung ương Đảng được bảo vệ, nắm bắt được tình hình, kịp thời ra các quyết sách. Năm 1943 bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt nhưng đồng chí vẫn bám sát vùng ngoại thành Hà Nội, chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng, kể cả thông qua tờ báo Cờ Giải phóng và Tạp chí Cộng sản. Theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, từ năm 1944 với trí tuệ sắc bén, đồng chí Trường Chinh đã phán đoán Nhật – Pháp sớm muộn sẽ bắn nhau – qua bài viết “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”. Sau sự kiện ngày 09/3/1945 (Nhật đảo chính Pháp), đồng chí đã soạn thảo và cùng Trung ương thông qua bản Chỉ thị lịch sử “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, từ đó triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang thành “Việt Nam Giải phóng quân”. Tại hội nghị toàn quốc của Đảng và đại hội quốc dân họp ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc,...

Sự chỉ đạo nhạy bén, sát sao đúng đắn của đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi cả nước. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh sát cánh bên cạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của đất nước để vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam theo quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí có nhiều bài viết quan trọng về sau được tập hợp lại, in thành sách.

Các tác phẩm của đồng chí được xuất bản ở thời kỳ này như Kháng chiến nhất định thắng lợi, Đề cương Văn hóa Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam...được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối nước ta. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (02/1951) đồng chí Trường Chinh  đọc báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam”, một văn kiện quan trọng của Đảng, thể hiện sự phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Cũng tại Đại hội này, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ cương vị này đến tháng 10/1956. Trong cương vị lãnh đạo Đảng, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương về sau này đánh giá “...đã có nhiều quyết sách đúng đắn sáng tạo nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng,... Đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.

Theo nhận xét của nhiều học giả, nhà chính trị cách mạng, chính ở thời kỳ chuyển tiếp từ đánh Pháp sang đánh Mỹ, đồng chí Trường Chinh nổi lên không chỉ trong vai trò lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà còn là nhà tư tưởng, nhà lý luận và nhà văn hóa lớn. Là nhà tư tưởng, nhà lý luận, đồng chí Trường Chinh có nhiều cống hiến nổi bật: về lý luận khởi nghĩa giành chính quyền; về chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; về xây dựng Mặt trận thống nhất, đoàn kết toàn dân, thêm bạn bớt thù; về xây dựng Đảng; xây dựng nhà nước và pháp luật; về công tác tư tưởng, công tác văn hóa văn nghệ,...

Các trước tác của đồng chí thể hiện năng lực tư duy sắc bén, luôn kết hợp được sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Là nhà văn hóa lớn, đồng chí Trường Chinh có hiểu biết sâu rộng về nhiều mặt, đặc biệt là về lịch sử văn hóa của dân tộc. Trên mặt trận báo chí, đồng chí là một tên tuổi hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Văn chính luận của đồng chí đặc biệt sắc sảo, trong sáng, khúc chiết, tràn đầy nhiệt tình cách mạng, nóng bỏng tính thời sự và tính chiến đấu. Đồng chí cũng đồng thời là một nhân cách lớn.

Những năm 1956 – 1960, lúc miền Bắc vấp phải sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất, với vị trí đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh dũng cảm tự phê bình trước Đảng và xin thôi giữ chức Tổng Bí thư, nêu cao phẩm chất, bản lĩnh của người Cộng sản chân chính và một nhân cách văn hóa lớn của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh về thăm huyện Bến Lức, năm 1984

Từ cuối năm 1956 đến cuối năm 1986 đồng chí Trường Chinh hoạt động với nhiều trọng trách khác nhau: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Trưởng ban Nghiên cứu lý luận Trung ương,...

Trên các cương vị, ngoài những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam, đồng chí đặc biệt có công lớn trong xây dựng các đạo luật, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp và Hiến pháp mới của Nhà nước ta. Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng cùng Trung ương Đảng trong chuẩn bị và đưa ra các quyết sách chiến lược, dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1986, dù đã ở tuổi gần 80, đồng chí Trường Chinh một lần nữa được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính ở thời điểm đầy thử thách lớn này của đất nước, đồng chí vẫn tiếp tục tăng cường thâm nhập thực tế, xem xét tình hình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tổng kết kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng. Đồng chí dành nhiều thời gian đi về nhiều địa phương trong đó có Long An để tìm hiểu vấn đề sản xuất nông nghiệp, vấn đề giá - lương - tiền,...

Đến tháng 10/1986 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí đưa ra kết luận: “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”, “Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta”. Từ đó, đồng chí đề nghị Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới. Mặc dù thời gian làm Tổng Bí thư của đồng chí lần này chỉ 5 tháng 7 ngày, song đồng chí Trường Chinh lại một lần nữa đặt dấu son về xây dựng cơ sở tư tưởng, lý luận cho sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn thử thách lớn để phát triển ngày càng vững chắc theo định hướng XHCN.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (15 đến 18/12/1986) đồng chí Trường Chinh dù tuổi cao sức kém vẫn tiếp tục được tín nhiệm làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí mất ngày 30/9/1988 thọ 81 tuổi trong niềm thương tiếc kính trọng của gia đình, của đồng chí, của toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế.

Điều để lại của đồng chí Trường Chinh đối với toàn Đảng, toàn dân ta là hình ảnh về một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. Đó cũng chính là nhân cách lớn đầy tài năng, đức độ mẫu mực của một người Cộng sản chân chính, bên cạnh một di sản vô giá về tri thức làm cách mạng, làm người Việt Nam./.

Long Thái

(Biên soạn từ tư liệu của Viện Lịch sử Đảng) 

Chia sẻ bài viết