Tiếng Việt | English

16/11/2016 - 05:15

Dự án nhà máy giấy Đại Dương: Nguy cơ ô nhiễm sông Tiền

Trong tâm thư vừa gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang, PGS.TS Lê Trình - phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN đã thiết tha đề nghị địa phương thu hồi dự án này do những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Một cống xả thải của khu công nghiệp Long Giang ra kênh Năng, Tân Phước, Tiền Giang - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Nhà máy giấy này sẽ xả thải ra kênh Năng rồi dẫn ra kênh Nguyễn Tấn Thành và sông Bảo Định, sau đó đổ ra sông Tiền... Đây là những vị trí lấy nước mặt của các nhà máy nước lớn nhất tỉnh Tiền Giang, nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu dân tại địa phương.

Chưa kể cuộc sống của người dân và sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nước thải, khí thải của nhà máy.

Làm giấy từ giấy phế liệu

Có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang (huyện Tân Phước, Tiền Giang) vào giữa tháng 11-2016, chúng tôi không khó để tìm đến khu đất Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương thuê hiện đã được san lấp mặt bằng, với một căn nhà được xây dựng làm trụ sở tạm. Có khoảng 5-6 nhân viên đang làm việc.

Ông Weng Sheng Yao, giám đốc phòng quản lý công ty, cho biết các thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn tất nên chưa thể xây dựng nhà máy, kế hoạch đưa nhà máy vào vận hành giai đoạn 1 trong năm 2017 chắc chắn không kịp, nhưng cho biết sẽ chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật VN, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải.

Trước đó vào cuối tháng 
10-2016, Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cho phép sử dụng nguồn nước mặt để xử lý phục vụ sản xuất và xả nước thải vào nguồn tiếp nhận.

Tuy nhiên, ông Phạm Anh Dũng, phó cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), cho rằng dự án này chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nên việc xin sử dụng nguồn nước và xả thải vào nguồn tiếp nhận là không đúng quy định.

Cũng theo ông Dũng, cơ quan này chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt ĐTM của dự án.


Vị trí đấu nối nước thải từ Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước chảy ra kênh Năng, Tiền Giang - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 12-1-2016, Công ty Chang Yang Holding (Đài Loan) nộp hồ sơ xin đầu tư dự án nhà máy giấy Đại Dương tại KCN Long Giang và đến ngày 18-2, nhà đầu tư này bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 
11-3, UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Và chỉ bốn ngày sau đó Ban quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy giấy Đại Dương với vốn lên tới 220 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng).

Sau khi nhận được giấy phép, Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương đã ký hợp đồng thuê tới 8 lô đất với diện tích 227.530m2 tại KCN Long Giang để xây dựng nhà máy sản xuất giấy Duplex, giấy Kraf trắng (dạng cuộn), giấy Duplex xám, giấy Duplex hai mặt trắng và giấy dùng gia đình.

Tổng công suất lên tới 413.000 tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 175.000 tấn/năm. Nguyên liệu sản xuất giấy của nhà máy Đại Dương cũng là giấy phế liệu giống như nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra tỉnh Tiền Giang còn cho Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương hưởng rất nhiều ưu đãi, như được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp hằng năm 10% trong 15 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ dự án (thuế suất năm 2016 là 20%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư...


Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lưu lượng xả thải quá lớn

Trao đổi với chúng tôi về dự án này, PGS.TS Lê Trình (viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển, phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN) cho rằng với việc tiếp nhận dự án nhà máy giấy này, Tiền Giang tự vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp được nêu trong quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào năm 2014.

Cũng theo ông Trình, công nghiệp giấy làm phát sinh lượng chất thải lớn, đặc biệt là nước thải chứa thành phần các chất ô nhiễm có độc tính rất cao, khó xử lý.

Cụ thể, trong nước thải công nghiệp bột giấy có chứa hàm lượng rất cao các chất hữu cơ, đặc biệt là chứa hàm lượng cao các hợp chất clor - hữu cơ (AOX).

Trong đó có các dioxin - loại chất có độc tính rất cao với tôm cá, động vật và con người, có thể gây đột biến gen, tác hại phôi thai, gây ung thư và rất bền vững trong môi trường.

Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu dùng chlorine dioxite (ClO2) tẩy trắng bột giấy có thể giảm thiểu nhưng không hoàn toàn loại bỏ dioxin. Trong khi đó, lưu lượng xả thải 4.950 m3/ngày đêm của nhà máy giấy Đại Dương rất lớn nên không thể không lo được.

Ông Trình cũng cảnh báo rằng hệ thống xử lý nước thải của KCN Long Giang không thể xử lý triệt để thành phần độc hại của công nghiệp giấy.

Ngay cả Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương tự xử lý, không ai dám chắc sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Khi đó nước thải chứa các chất độc hại sẽ tràn ra sông Tiền, sông Vàm Cỏ và các chi lưu.

Khả năng tự làm sạch của kênh rạch vốn rất kém nên số lượng người chịu ảnh hưởng có thể lớn hơn các tỉnh miền Trung trong vụ Formosa.

“Là người nhiều năm nghiên cứu môi trường Tiền Giang, tôi thiết tha đề nghị Tỉnh ủy - HĐND và UBND tỉnh không tiếp nhận dự án này”- ông Trình kết luận.

TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cũng cảnh báo nếu nhà máy giấy này hoạt động, sự đa dạng sinh học, đất đai và nguồn nước của vùng Đồng Tháp Mười sẽ bị hủy hoại.

Đặc biệt, theo ông Ni, những năm gần đây ĐBSCL bị xâm nhập mặn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, trong khi nhà máy giấy sử dụng rất nhiều nước ngọt nên việc cho phép nhà máy giấy hoạt động sẽ đe dọa nguồn nước ngọt địa phương.


Văn phòng tạm của Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan) tại Tiền Giang - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

PGS.TS Lê Trình (phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN):

Nguồn nước ngọt tại Tiền Giang và Long An bị đe dọa

Điều nguy hiểm đối với sinh thái và sức khỏe là dioxin (trong nước thải công nghiệp bột giấy) rất bền, có khả năng tồn lưu lâu dài trong đất và chuyển vào cơ thể các loài thủy sản, từ đó chuyển vào con người (qua thực phẩm).

Ngoài ra, dioxin có khả năng gây các bệnh hiểm nghèo cho con người, ngay cả khi ở hàm lượng rất nhỏ. Do đó, nếu nhà máy giấy Đại Dương xả nước thải có dioxin, dù chỉ rất ít thì sông rạch ở Tiền Giang, Long An... sẽ có khối lượng dioxin tích tụ không hề nhỏ.

 

Ông Phạm Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang)

Sẽ đánh giá nghiêm túc tác động của nhà máy giấy Đại Dương

Chúng tôi đã nhận được tâm thư của PGS.TS Lê Trình. Dù việc thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT, nhưng UBND tỉnh cũng đã giao các ngành mời nhà khoa học đánh giá nghiêm túc những vấn đề có liên quan đến dự án nhà máy giấy Đại Dương.

Tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không đánh đổi môi trường lấy dự án kinh tế.

Vân Trường/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích