Khu vực này là nơi xây dựng Trung tâm Điện lực Long An
Địa phương lo ngại
TTĐL Long An sử dụng than xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ): Long An I với quy mô 2x600MW, vận hành năm 2024-2025; Long An II với quy mô 2x800MW, vận hành năm 2027-2028. Đây là dự án rất lớn, với nguồn vốn đầu tư trên 5 tỉ USD.
TTĐL Long An được quy hoạch đầu tư xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, thuộc bờ trái sông Vàm Cỏ. Tổng diện tích sử dụng trên bờ và mặt nước được quy hoạch trên 360ha (trên bờ 232,18 ha, mặt nước 129ha). Nhu cầu than 7,6 triệu tấn/năm (2 nhà máy). Lượng tro xỉ của 2 nhà máy là 450.000 tấn/năm. Tổng lượng nước làm mát cho 2 nhà máy là 130m3/giây. Đây là một trong những dự án năng lượng đầu tư theo hình thức BOT. Các dự án khi vận hành hàng năm sản xuất khoảng 17 tỉ kWh, tham gia cấp điện cho tỉnh, các tỉnh phía Nam và hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, khi xây dựng NMNĐ sử dụng nguyên liệu than sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vì vậy, người dân xã Long Hựu Đông vô cùng lo lắng. Ông Võ Văn Nam nói: “Nhà nước xây dựng TTĐL tại địa phương, người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng chúng tôi rất lo ngại. Theo tìm hiểu của tôi, một số địa phương: Trà Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Thuận, khi sử dụng nhiên liệu than xây dựng thì mức độ ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Vì vậy, tôi đề nghị Nhà nước nghiên cứu xây dựng TTĐL sử dụng khí hóa lỏng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khí - điện - đạm Cà Mau”.
Không chỉ người dân lo lắng mà chính quyền địa phương cũng quan ngại. Bí thư Đảng ủy xã Long Hựu Đông - Huỳnh Văn Phát cho biết: “Chính quyền và người dân rất phấn khởi khi dự án TTĐL Long An được triển khai tại địa phương. Tuy nhiên, nếu dùng nguyên liệu than xây dựng thì việc xử lý tro, xỉ sẽ phát thải ra môi trường. Nhà máy đặt vị trí hợp lưu giữa 3 con sông (sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp và Rạch Cát), hoạt động với công suất xả thải chất lọc mát 3.000m3/giây. Với lượng nước xả thải như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của người dân”.
Nước thải nhà máy sẽ xả thải ra nơi hợp lưu của 3 con sông: Xoài Rạp, Vàm Cỏ và Rạch Cát
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Khi biết dự án TTĐL Long An sử dụng nguyên liệu than để xây dựng, chính quyền và người dân địa phương rất lo lắng bởi xã Long Hựu Đông được định hướng phát triển du lịch, hạ tầng dịch vụ cảng và công nghiệp sạch trong tương lai. Mật độ dân số tại đây rất cao, nằm ở vị trí trọng yếu vùng hạ huyện Cần Đước, Cần Giuộc, kề cận TP.HCM và Tiền Giang. Nếu dùng nguyên liệu than để xây dựng thì việc xử lý tro, xỉ sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân cũng như phát triển du lịch trong tương lai.
Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định: “Nếu dự án thành công sẽ góp phần tăng thu ngân sách hàng năm khoảng 1/3 trong tổng thu ngân sách tại địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động. Thế nhưng, nguy cơ về ô nhiễm môi trường rất cao khi triển khai thực hiện NMNĐ sử dụng nguyên liệu than. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn giữ quan điểm: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” và ưu tiên tiếp nhận đầu tư TTĐL Long An sử dụng nguyên liệu khí hóa lỏng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho bổ sung quy hoạch kho chứa khí hóa lỏng để thực hiện quy hoạch TTĐL tại tỉnh; đề nghị nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu về dự án NMNĐ sử dụng khí hóa lỏng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường”./.
Không thể đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế và cũng không thể vì người nghèo mà hy sinh môi trường và sức khỏe người dân. Tôi ủng hộ sự lựa chọn của lãnh đạo tỉnh Long An, Trung tâm Điện lực Long An sử dụng khí hóa lỏng, sự lựa chọn này là khả thi, vì những khó khăn có thể khắc phục nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương chấp thuận. Kiến nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai Trung tâm Điện lực Long An theo hướng lựa chọn của tỉnh vì lợi ích của địa phương và tiểu vùng liên quan đến Tiền Giang và TP.HCM. Quyết định này cần đặt theo hướng phát triển ngành điện sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân
|
Ngọc Mận