Tiếng Việt | English

26/04/2021 - 07:49

Dự án VnSAT: Nâng cao chất lượng lúa và thu nhập cho nông dân

Qua 5 năm triển khai, dự án (DA) “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (DA VnSAT) tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020 đã thay đổi tập quán canh tác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Dự án VnSAT góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế của nông dân vùng dự án

Đầu tư lớn cho nông nghiệp

DA VnSAT tỉnh Long An đã được triển khai trong 5 năm qua và cho kết quả rất khả quan trên cây lúa. DA góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Tại Long An, DA được thực hiện tại 23 xã thuộc 5 huyện phía Bắc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, với tổng diện tích trên 49.000ha.

Theo báo cáo của Ban Quản lý DA VnSAT tỉnh Long An, mục tiêu mà DA hướng đến là có trên 60.000 người được hưởng lợi, tăng lợi nhuận trên mỗi hécta đất sản xuất lên khoảng 30%, nâng diện tích lúa áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” lên trên 29.000ha. Đồng thời, mở rộng diện tích áp dụng biện pháp canh tác bền vững được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp lên khoảng 6.000ha/vụ và giảm khí thải nhà kính trong cánh tác lúa trên 133.333 tấn. Ngoài ra, DA cũng hướng đến mục tiêu giúp nông dân trồng lúa có thể tiếp cận, áp dụng biện pháp, kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và tăng thu nhập.

Trong giai đoạn 2016-2020, DA VnSAT tỉnh Long An đã tổ chức 523 lớp tập huấn cho 11.835 hộ nông dân (không trùng lắp), với 34 điểm trình diễn về quy trình sản xuất theo “3 giảm, 3 tăng”; 418 lớp cho 10.866 hộ nông dân (không trùng lắp), với 21 điểm trình diễn về quy trình sản xuất theo “1 phải, 5 giảm". Ngoài ra, DA còn mở 55 lớp với 1.588 người tham gia tập huấn về các nội dụng: Hướng dẫn trồng nấm rơm, sản xuất lúa giống xác nhận, sản xuất lúa theo VietGAP,… DA cũng đã hỗ trợ thành lập 17 HTX và củng cố nâng cao năng lực hoạt động của 10 HTX đã có trước DA. Tổng vùng DA hiện nay có 27 HTX, với 3.818 thành viên, tương ứng với diện tích sản xuất lúa 11.702ha.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết: “Toàn huyện có hơn 790ha lúa trong vùng DA VnSAT của tỉnh. Thời gian qua, huyện rất quan tâm đến việc thực hiện DA VnSAT, vì đây là cơ hội để huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập trong sản xuất lúa”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa) - Trần Văn Sửa, khi tham gia DA VnSAT, HTX được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật về “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, trồng nấm rơm, canh tác lúa theo hướng VietGAP,... cho hơn 270 lượt thành viên. Thông qua những lớp tập huấn, các thành viên đã được nâng cao kiến thức sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển dần sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, hướng đến canh tác bền vững.

“Bên cạnh đó, DA còn hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng dài 2,2km và cầu giao thông nông thôn trên tuyến bờ Đông kênh Gò Ông Trang. Qua đó, đã giúp việc vận chuyển, giao thương và đi lại của người dân được dễ dàng và thuận tiện hơn. Ngoài ra, DA còn hỗ trợ HTX 1 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc. Chiếc máy này đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả thiết thực, giúp nông dân giảm được nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” của ngành Nông nghiệp” - ông Sửa chia sẻ.

5 năm qua, DA đã hỗ trợ tổng cộng 11 tiểu DA cho 11 HTX, bao gồm: 3 nhà kho, 11 trạm bơm, 16 trạm biến áp, 9 tuyến đường giao thông nội đồng, 2 cầu, 1 cống,... với tổng kinh phí trên 72,5 tỉ đồng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả

Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 DA VnSAT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh, DA VnSAT đã được xây dựng và triển khai, thực hiện từ cuối năm 2015 trên ngành hàng lúa gạo, một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đến nay, DA mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Năm 2021, tỉnh tiếp tục bảo đảm nguồn vốn đối ứng để đáp ứng kịp thời cho công tác thực hiện DA tại các địa phương.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, sau 5 năm triển khai DA, nông dân áp dụng tốt hơn các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, lượng giống sử dụng giảm. Trước đây, nhiều nông dân sản xuất lúa sử dụng 170-200kg/ha, nay đã giảm còn 80-100kg/ha. Nhiều danh mục hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh. Có thể nói, nhờ DA VnSAT mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa mang lại hiệu quả cao, giúp giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận, đời sống người dân vùng nông thôn cũng vì vậy mà ngày càng được nâng lên.

“Phát huy những kết quả đã đạt, thời gian tới, Ban Quản lý DA VnSAT tỉnh Long An tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tập huấn để nông dân ứng dụng được những nội dung của DA trên cánh đồng của mình; đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân, HTX đạt tiêu chí DA để phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, phát triển cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với nông dân. Song song đó, sẽ vận động nông dân tiếp tục tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả” - ông Truyền cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích