Tiếng Việt | English

01/03/2020 - 22:00

Du lịch Việt tìm giải pháp vượt khó trước tác động của dịch COVID-19

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm về cơ cấu ngành du lịch, thị trường khách du lịch...

Hướng dẫn du khách chơi lướt vãn diều trên biển Mũi Né-Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)
Theo Tổng cục Du lịch, sự bùng phát của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được dự báo sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ đối với du lịch Việt Nam, nhất là sự sụt giảm mạnh của lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc vốn đang chiếm trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về những tác động này cũng như bàn giải pháp ứng phó nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực, phóng viên TTXXN đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.

- Thưa ông, dịch COVID-19 xuất hiện sẽ tác động cụ thể ra sao tới ngành du lịch cả trước mắt và lâu dài?

Ông Phùng Quang Thắng: Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch thế giới cũng như du lịch Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Không khó để thấy khách du lịch Trung Quốc vốn là thị trường nguồn của rất nhiều nước.

Cụ thể, năm 2019, Thái Lan đón khoảng 11 triệu khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản đón 9 triệu khách và trong số hơn 18.000 khách quốc tế đến Việt Nam cũng có tới 1/3 là khách du lịch Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, khi COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, lượng khách du lịch đến các nước lập tức bị ảnh hưởng.

Không những vậy, thị trường khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản hay các thị trường châu Âu, Mỹ cũng sụt giảm nhất định do COVID-19. Đây là những tác động không tốt cho phát triển du lịch Việt Nam.

Theo kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, như dịch SARS năm 2003, những tác động của dịch bệnh lên ngành du lịch là điều dễ thấy với sự sụt giảm mạnh lượng khách. Về lâu dài, tác động còn ảnh hưởng và phụ thuộc vào thời gian dịch lần này có kéo dài hay không. Sau dịch bệnh, để hồi phục ngành du lịch cũng cần có thời gian nhất định.

- Trước những ảnh hưởng này, ngành du lịch có giải pháp nào để ứng phó nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh, thưa ông?

Ông Phùng Quang Thắng: Rõ ràng trong thời gian dịch đang diễn ra, việc cần làm để xây dựng được hình ảnh của ngành du lịch là bảo vệ được du khách khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh và giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, người tham gia làm du lịch.

Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Mặt khác, tuy nhiều khách đã hủy tour hoặc thay đổi lịch trình, nhưng đối với khách vẫn đang tham quan tại Việt Nam, phải có biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch và cả những người làm du lịch.

Làm tốt công tác phòng chống dịch cũng sẽ giúp xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế và nội địa về một điểm đến an toàn.

Tại thời điểm này, việc khách hủy tour rất nhiều đang tác động trực tiếp đến người lao động và chi phí của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán hợp lý để giãn ngày nghỉ bù, nghỉ phép của lao động.

Ngoài ra, tác động của dịch lần này không phải diễn ra ở tất cả các điểm đến nên một giải pháp nữa được doanh nghiệp tính đến là tìm những điểm đến mới, nơi không có dịch hoặc có dịch nhưng đã khống chế và kiểm soát được.

Tại thời điểm này, nhiều cơ sở kinh doanh vắng khách, thậm chí không có khách thì tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở lớp đào tạo cho cán bộ nhân viên... để nâng cao chất lượng phục vụ, chờ đón một mùa khách du lịch mới sau này.

Quan trọng hơn cả, khi đã chia được các hoạt động theo từng giai đoạn (trước, trong và sau dịch), ngành du lịch cần phải chuẩn bị ngay công tác xúc tiến. Dịch bệnh lần này cũng là cơ hội giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm về cơ cấu ngành du lịch, thị trường khách du lịch sao cho phù hợp và giảm thiểu những thiệt hại từ các tình huống rủi ro trong tương lai.

- Ông có kiến nghị gì với các doanh nghiệp hay địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh?

Ông Phùng Quang Thắng: Đối với các doanh nghiệp đang có khách, phải tập trung vào phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho nhân viên tại doanh nghiệp đó; đồng thời triển khai giải pháp ứng phó với dịch bệnh phù hợp với hoàn cảnh của từng doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần xem xét những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khi dịch bệnh đi qua, như chính sách đối với các nhà đầu tư hạ tầng du lịch, các khoản vay, thuế..., thậm chí đối với các ngành liên quan như miễn giảm phí visa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trong thời hạn nào đó, cũng như tăng thêm gói xúc tiến cho du lịch Việt nhằm giúp ngành du lịch và các doanh nghiệp phục hồi khi dịch đi qua.

- Những năm gần đây, du lịch xanh hay du lịch trải nghiệm đang được nhắc tới khá nhiều. Loại hình này tại Việt Nam hiện đang phát triển ra sao, thưa ông?

Ông Phùng Quang Thắng: Việt Nam có rất nhiều sản phẩm du lịch khác nhau dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vốn có. Trên thế giới, du lịch xanh hay du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa là một trong những loại hình đang có xu hướng phát triển mạnh và Việt Nam cũng đã nhận biết được xu hướng này để triển khai những hoạt động thu hút du khách.

Tuy nhiên, du lịch xanh của Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Có thể dễ dàng nhận thấy đã có những hoạt động về du lịch xanh từ việc đầu tư hạ tầng nhiều năm qua như ở Quảng Bình, Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure đã đầu tư các sản phẩm du lịch khám phá gắn với hoạt động bảo vệ môi trường; hay nhiều cơ sở hạ tầng lớn hơn như Khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge (Sa Pa, Lào Cai) - một cơ sở lưu trú gắn với thiên nhiên đã tồn tại hơn chục năm nay và được khách du lịch đánh giá rất cao.

Dù vậy, vẫn cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa với sản phẩn du lịch xanh này để gắn với môi trường và bảo vệ môi trường tốt hơn.

- Phát triển du lịch cũng cần đi đôi với bảo vệ môi trường. Vậy ngành du lịch có giải pháp nào để vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ môi trường?

Ông Phùng Quang Thắng: Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch cũng như người dân tham gia vào làm du lịch địa phương và cả khách du lịch. Từ đó, chúng ta sẽ có cơ hội phát triển du lịch xanh và điều kiện bảo vệ môi trường.

Thứ hai, cần nhiều cơ sở hạ tầng du lịch xanh hơn nữa. Điều này đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan hỗ trợ phát triển du lịch xanh như: quy hoạch, xây dựng, sử dụng thiết bị thân thiện môi trường, quản lý xử lý rác và nước thải...

Hai du khách Nga say sưa chụp ảnh tại di tích Tháp Bà Ponagar. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Thứ ba, cần có con người du lịch xanh. Nguồn nhân lực của du lịch Việt cần được đào tạo để tham gia vào hoạt động du lịch xanh và quan trọng, những người này phải có đam mê với du lịch xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường.

Tóm lại, du lịch xanh chính là kênh tuyên truyền cho cả du khách và địa phương về bảo vệ môi trường.

- Nhu cầu của khách hàng thời 4.0 là nhanh gọn, tiện lợi. Ông có lời khuyên nào với các doanh nghiệp du lịch để giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất?

Ông Phùng Quang Thắng: Những sản phẩm du lịch nói chung, nhất là những sản phẩm trải nghiệm về văn hóa, thiên nhiên được xây dựng dựa trên nền tảng là giá trị tài nguyên của từng địa phương. Tuy nhiên, để chuyển tất cả những giá trị đó giúp khách có thể trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện nay là nhanh chóng và thuận tiện thì cần tới công nghệ số.

Hiện nay, trước nhu cầu kinh doanh "không biên giới," không ít doanh nghiệp du lịch Việt đang kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp số tại Việt Nam cũng nên có hướng xâm nhập thị trường du lịch một cách hiệu quả, chủ động hơn nữa để phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi bên, nói khác đi là một bên có công nghệ số, một bên có công nghệ du lịch để tạo ra những sản phẩm thực tế và tiện ích. Từ đó, doanh nghiệp Việt mới có được chỗ đứng và thị phần trong thị trường số, và ngành du lịch Việt.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết