Trục động lực kết nối
Nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải (GTVT) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Đó phải kể đến hệ thống các tuyến quốc lộ (QL): QL1, QL50, QLN1, N2 cũng như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây.
Cùng với đó, nhiệm kỳ qua, tỉnh cũng xúc tiến đầu tư và đưa vào khai thác tuyến ĐT830 nối liền 4 huyện công nghiệp của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, dần hoàn thiện tuyến đường Vành đai TP.Tân An và thực hiện các công trình giao thông thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm. Những tuyến giao thông huyết mạch này đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Ngành Giao thông Vận tải và huyện Tân Trụ khảo sát vị trí dự kiến tuyến Đường tỉnh 827E đi qua tại khu vực xã Đức Tân, huyện Tân Trụ
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hệ thống giao thông của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi đa số những tuyến QL đã xuống cấp, nhỏ, hẹp và còn thiếu những tuyến đường mang tính kết nối trong khu vực. Với vị trí giáp ranh TP.HCM, là cửa ngõ miền Tây và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Yêu cầu tất yếu phải có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Công trình ĐT827E là 1 trong 3 công trình trọng điểm được ĐH Đảng bộ tỉnh đưa vào trong Nghị quyết ĐH.
Thông tin từ Sở GTVT, tuyến ĐT827E hay trước đây là Trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang dự kiến được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống GTVT của tỉnh. Tuyến đường động lực này sẽ kéo dài qua tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài nhất, dự kiến khoảng 35km, kết nối với tỉnh Tiền Giang tại huyện Châu Thành, qua Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc trước khi kéo dài đến TP.HCM.
Cùng với đó, để đồng bộ tuyến đường, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Cần Giuộc. Trong đó, dự kiến cầu Vàm Cỏ Tây có tổng chiều dài 6.100m gồm phần cầu dài 1.560m, phần đường dẫn dài 4.540m; cầu Vàm Cỏ Đông có tổng chiều dài 7.100m gồm phần cầu dài 1.560m, phần đường dẫn dài 5.540m và cầu Cần Giuộc có tổng chiều dài 2.960m gồm phần cầu dài 424m, phần đường dẫn dài 2.266m.
“Đến nay, về cơ bản 3 địa phương đã xác định xong hướng tuyến và đang hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư. Theo đó, trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang được kết nối từ ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang đến đường Phạm Hùng, TP.HCM với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 55km cùng 3 cây cầu. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 5,8km, qua tỉnh Long An khoảng 34,5km và Tiền Giang là 14,2km. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 20.000 tỉ đồng từ nguồn kinh phí huy động của mỗi tỉnh, riêng phần đầu tư 3 cây cầu kiến nghị Trung ương hỗ trợ” - Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung thông tin.
Tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung, từ trước đến nay, huyện gần như nằm trong tư thế “bán đảo”, khó vươn mình phát triển bởi huyện chỉ có tuyến ĐT833 là độc đạo lại ngăn cách bởi 2 con sông lớn Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Theo dự kiến, tuyến ĐT827E sẽ đi qua 3 xã: Đức Tân, Nhựt Ninh và Tân Phước Tây của huyện, kết nối với cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây. Đây sẽ là điều kiện rất tốt để huyện xóa thế độc đạo và khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh còn “ngủ yên”.
“Định hướng phát triển của huyện, trong tương lai sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp để khai thác thế mạnh ven sông Vàm Cỏ Đông và phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, khu dân cư thương mại dọc theo tuyến sông Vàm Cỏ Tây để tạo những bước đột phá trong phát triển KT-XH của huyện. Với việc đầu tư tuyến ĐT827E sẽ tạo sức bật giúp huyện xóa thế độc đạo, thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch khi tuyến đường chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết.
Công trình trọng điểm Đường tỉnh 827E sẽ đi qua 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc, kết nối với Tiền Giang và TP.HCM
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung, trục động lực là tuyến giao thông mang tính chiến lược không chỉ phục vụ sự phát triển của riêng TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang mà còn có ý nghĩa phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của cả khu vực các tỉnh duyên hải Tây Nam bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Khi hình thành, tuyến đường này cũng góp phần thiết thực trong chia sẻ năng lực vận chuyển hàng hóa trên các tuyến QL hiện hữu cũng như cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo dự kiến, tuyến đường động lực đoạn qua địa bàn tỉnh được quy hoạch loại đường phố chính đô thị có tốc độ thiết kế 80km/h với quy mô 10 làn xe, rộng 300m. Trong đó, phần đường giao thông rộng 100m và mỗi bên thu hồi 100m để tạo quỹ đất làm nguồn lực đầu tư phát triển.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, từ đề nghị của UBND tỉnh, Bộ GTVT đã có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý nghiên cứu, xem xét việc bổ sung Trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang vào Quy hoạch phát triển GTVT Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi có ý kiến của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan theo quy định. Hiện ngành Giao thông và các ngành chức năng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư để đến năm 2021 hoàn tất các điều kiện để kêu gọi đầu tư và công trình dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, công trình trọng điểm ĐT827E sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển KT-XH./.
Công trình trọng điểm Đường tỉnh 827E sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển KT-XH”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được
|
Kiên Định