Ảnh Internet
Bờ biển Hội An chỉ dài 7km song đây là ngư trường chủ yếu của tỉnh Quảng Nam. Theo Tạp chí Biển (7-1999), Cửa Đại và cụm Cù Lao Chàm không chỉ là 2 “vương quốc yến sào” nổi tiếng mà còn là ngư trường có mật độ cá dày đặc với các loại cá nối, cá đáy, cá đại dương và tôm, cua, mực, hải sâm,… có giá trị xuất khẩu cao.
Du khách đến đây vẫn hay tìm kiếm để thưởng thức các món ngon như: Ốc vú nàng, bào ngư, cá mú, cua đá trên Cù Lao Chàm. Ở Cửa Đại thì có hệ thủy sinh vùng ngập mặn khá phong phú và đa dạng, lại thuận lợi cho việc nuôi tôm sú, cua, rau câu, cá biển,…
Buổi sáng nắng đẹp, bầu trời trong xanh và gió lộng. Chúng tôi đi dọc bờ sông Hàn, gặp làng nghề đóng thuyền Cẩm Kim với nhưng bãi gỗ, bãi thuyền đang đóng và xưởng thợ vang vọng âm thanh.
Theo sử liệu, từ thế kỷ XVII- XVIII, Hội An đã là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á với tàu thuyền từ các nước Á, Âu đến giao thương tấp nập.
Chúng tôi rảo qua các đường Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Trần Cao Vân,… phố cổ lặng lẽ giăng hàng. Đây đó các quán cà phê vỉa hè với khách Tây lặng lẽ thưởng vị đắng nên thơ và dõi mắt ra đường đôi lúc xuất hiện từng dọc dài xích lô đạp đưa khách dạo chơi trên phố.
Các cô gái trẻ châu Âu với quần soọc, áo thun thong thả đạp xe trên đường. Các quán cà phê chỉ mở nhạc êm dịu đủ nghe, trong khi đường phố vắng các loại xe mô tô và ô tô nên rất yên tĩnh.
Dừng lại trước một ngôi nhà mái ngói âm dương rêu phủ và cỏ mọc dày như trên mặt đất. Tôi đọc tấm bảng ghi chú đặt trước ngôi nhà: “Đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Hội An được chủ hiệu buôn người Hoa hiệu là Quang Thắng xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Nhà chứa đựng nhiều đặc trưng kiến trúc Hội An như các vì kèo chồng rường giả thủ, cột trốn kẻ chuyền và vì kèo cua, tạo không gian mát, thoáng đãng. Các đồ án trang trí trên tường, trên vách cùng với non bộ, cuốn thư… tạo bức tranh tuyệt tác. Những di vật, cổ vật, lối sống, nếp sống truyền thống, góp phần minh chứng sự thịnh vượng của thương cảng Hội An xưa nói chung, các gia tộc ở Hội An nói riêng”.
Đến Chùa Cầu (còn gọi cầu Nhật Bản) có nhiều du khách Nhật Bản và Trung Quốc tham quan. Tôi cũng dừng lại để đọc bảng ghi chú: “Đầu thế kỷ XVIII, người Nhật cư trú ở Hội An đã xây cầu qua dòng lạch để thông thương trong khu dân cư. Ở đầu cầu dẫn vào cầu có thần Hầu và thần Cẩu trấn giữ. Các thế kỷ sau người Hoa và người Việt tiếp tục trùng tu và xây thêm miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Võ bởi tổ hợp kiến trúc chùa cầu và là biểu tượng giao lưu văn hóa Nhật-Hoa-Việt ở Hội An. Hơn 400 năm nay, chùa Cầu nổi tiếng linh thiêng được cư dân bản địa và khách vãng lai thành tâm chiêm bái”. Ở giữa lòng cầu, một bên có ngăn phòng bài trí bàn thờ và tượng Phật; nhiều người trang nghiêm bước vào lễ bái.
Khu chợ Hội An với tòa nhà lồng dài cũng ngả màu rêu cổ kính, thu hút khá đông du khách Tây đến mua sắm. Dọc theo mấy con phố gầy, người ta bày bán các loại lồng đèn và quạt tay làm theo kiểu cổ xưa. Nhiều gian hàng đồ cổ bằng sành sứ, đồng thau.
Một số nơi trưng bày tượng đầu người già râu dài được chế tác từ gốc tre (phần gốc và rễ) đào dưới đất lên. Các hội quán, chùa, miếu, đền thờ mang phong cách văn hóa kiến trúc của người Hoa Minh Hương khó lẫn vào đâu được. Hội An hỗn dung nhiều nền văn hóa.
Kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowsky (1944-1997) là người đã đem hết sức lực và tâm huyết vào việc bảo tồn các di sản văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Từ nhiều đóng góp to lớn của ông trong việc khám phá, nghiên cứu, quảng bá, góp phần đưa đô thị cổ Hội An được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Để tưởng nhớ công ơn của ông, Hội An đã tạc tượng ông đặt vào một nơi trang trọng nhất ở trung tâm đô thị cổ kính này. |
Quang Hảo