Tiếng Việt | English

03/05/2022 - 15:05

Gia đình 3 thế hệ - 'Chuyện nhỏ' khi sống chung

Trong gia đình Việt Nam, “ông bà đóng vai trò hết sức quan trọng, là những người đem những tinh hoa của thế hệ đi trước truyền dạy lại cho con cháu mai sau giữ gìn và phát huy”. Việc sống chung với ông bà là chuyện khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn có một số khó khăn nhất định nếu sự khác biệt về thế hệ không được dung hòa.

Người lớn tuổi cần sự quan tâm chăm sóc về tinh thần

Người lớn tuổi cần sự quan tâm chăm sóc về tinh thần

“Tôi mong được nhìn thấy nụ cười của mẹ”

Chị Trần Thu Trang (*) (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) kể, gia đình chị vừa trải qua một đợt “sóng gió” không nhỏ khi chị và mẹ không thể nói chuyện với nhau suốt gần 1 tháng vì những hiểu lầm trong cuộc sống hàng ngày. Mẹ chị Trang tuổi ngoài 60, cha chị mất sớm nên bà một mình nuôi dạy 4 người con. Ở tuổi xế chiều, có lẽ, những vất vả khi còn trẻ đã khiến tinh thần bà có phần suy sụp. Bà ngày càng trở nên khó tính. Chị Trang là mẹ đơn thân, vừa gánh vác kinh tế gia đình, vừa chăm nom mẹ. Những thiếu sót trong lúc giao tiếp, chăm sóc đã khiến mẹ chị buồn, dần sinh ra những hiểu lầm không đáng có.

Chị Trang kể: “Tôi nhiều khi vì bận chăm lo ruộng vườn, mệt mỏi nên lời nói không được dịu dàng. Mẹ lại hay nghĩ nhiều theo hướng tiêu cực nên đôi khi cho là tôi không thương mẹ. Cứ vậy mà mẹ con buồn nhau!”. Đôi khi câu chuyện bắt đầu chỉ vì một lời nói của... người hàng xóm. Khi chị Trang cho rằng lời của hàng xóm không cần lưu tâm thì với mẹ chị, đó là những lời nói không hay và có phần xúc phạm. Việc con gái “bênh” hàng xóm khiến bà nổi giận và cơn giận lan sang chị Trang khi chị cảm thấy mình thật oan ức. Chỉ bấy nhiêu cũng khiến 2 mẹ con không nói chuyện vài ngày.

"Đối với con cháu, yêu thương, kính trọng, hiếu thảo dành cho ông là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta. Khi về già, sức khỏe sa sút, bệnh tật liên miên, đây là lúc ông bà cần sự hiếu thảo của con cháu nhất, lúc này đây, con cháu vẫn còn tận tình chăm sóc, hỏi han, không ngại khó ngại khổ, sợ phiền phức thì mới thật là tấm lòng hiếu thảo đáng quý biết chừng nào. Đó là một đức tính cao đẹp của con người, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông bà cha mẹ, với tổ tiên”.

(Mối quan hệ ông bà với con cháu - Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

Sau khoảng thời gian “chiến tranh lạnh”, chị Trang cầu cứu những người thân trong họ hàng, nhờ mọi người khuyên giải mẹ và chủ động nói lời xin lỗi mẹ để bà cảm thấy yên tâm rằng con gái vẫn yêu thương mình như ngày trước. Kể về câu chuyện của mình, chị Trang buồn bã: “Tôi chỉ mong mỏi một điều là mẹ cảm thông và tha thứ cho tôi những lúc lỡ lời. Tôi cũng hy vọng mẹ sẽ không nặng lời hoặc áp đặt suy nghĩ, cảm xúc của mẹ lên tôi. Những lúc mẹ nói nặng lời, tôi buồn mà không biết san sẻ cùng ai. Tôi không mong mẹ giúp tôi bất cứ việc gì, chỉ cần mẹ vui vẻ, tận hưởng cuộc sống của mình là được. Đi làm về nhà, tôi mong được nhìn thấy nụ cười của mẹ”.

Tuổi già cần sự quan tâm

Trong gia đình 3 thế hệ, việc khác biệt giữa các thế hệ là điều hoàn toàn không thể nào tránh khỏi. Để có được sự dung hòa, cần có sự thấu hiểu và cảm thông từ cả 2 phía, đặc biệt là từ phía những người trẻ. Người lớn tuổi thường tủi thân khi cho rằng mình không giúp ích gì cho con cháu nên con cháu sẽ không yêu thương mình. Họ cần được quan tâm. Ông Huỳnh Đình Nhựt (76 tuổi, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) khẳng định: “Tuổi già dễ hờn lắm, nói trật là hờn. Người lớn tuổi chúng tôi chỉ mong muốn con cháu quan tâm, thể hiện qua lời nói nhẹ nhàng, thái độ vui vẻ khi ở bên cạnh ông bà, cha mẹ. Sự quan tâm, tình cảm mới là điều quan trọng mà người già cần đến. Vật chất, tiền bạc hay mâm cao cỗ đầy với người lớn tuổi không còn quan trọng nữa. Bữa cơm sẽ ngon hơn khi có con cháu sum vầy, vui vẻ và nó chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sự quan tâm của con cháu. Tre không có măng thì chẳng bao giờ vui nổi đâu!”.

Ông Nhựt có 7 người con, hiện đã có gia đình riêng, ông bà sống cùng vợ chồng con trai và cháu nội. Mỗi ngày, các con chuẩn bị sẵn cơm cho ông bà trước khi đi làm. Chiều về, cả nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Ông Nhựt chia sẻ, điều duy nhất mà ông mong mỏi con cháu hiểu chính là người lớn tuổi cần được chăm lo đời sống tinh thần nhiều hơn vật chất. Ông không cần con phải mang về những món ngon, vật lạ hay nhiều tiền bạc, chỉ mong con sẽ nói năng nhỏ nhẹ, thể hiện sự quan tâm bằng những lời hỏi thăm khi trái gió trở trời hoặc ly trà rót sẵn mời ông, bà uống.

Trong gia đình 3 thế hệ, con cháu sẽ được ông bà truyền dạy kinh nghiệm, hướng dẫn cách gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngược lại, con cháu sẽ giúp ông bà kết nối với thế giới bên ngoài đang ngày càng thay đổi để ông bà có cuộc sống vui vẻ, phong phú hơn. Những khác biệt, mâu thuẫn trong gia đình 3 thế hệ là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là mỗi cá nhân, đặc biệt là con cháu trong gia đình phải cố gắng hiểu, cảm thông và hết lòng chăm sóc để ông bà được sống vui, sống khỏe cùng con cháu./.

"Tôi còn khỏe, còn có thể làm việc lặt vặt để có thu nhập, bớt phần nào gánh nặng cho con, để con tôi có thể tập trung lo cho cháu. Khi còn làm việc được, tôi muốn tự làm, không muốn anh em hay con cháu phải lo lắng về kinh tế cho mình. Sống chung với con, tôi chỉ muốn gia đình vui vẻ, thuận hòa, con cháu lễ phép, nói nhẹ nhàng, thái độ quan tâm, tình cảm đối với ông bà, cha mẹ. Vậy là tốt nhất rồi!”.

Bà Huỳnh Thị Nỉ (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ)

"Ông bà, cha mẹ ngoài trách nhiệm nuôi dưỡng con cháu còn phải dạy bảo con cháu biết cư xử hài hòa, lễ phép trong xã hội. Trong gia đình, con cháu phải biết “kính trên nhường dưới”, lễ phép với ông bà, cha mẹ”.

Ông Nguyễn Văn Huệ (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành)

"Vợ chồng tôi sống cùng mẹ nên các con tôi được bà nội hết lòng chăm sóc. Khi còn nhỏ, các cháu đều ngủ với bà, lớn lên cũng rất gần gũi với bà. Mẹ tôi lớn tuổi rồi nên vợ chồng tôi cố gắng làm mọi chuyện cho mẹ vui bằng cách quan tâm mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Biết ý mẹ không thích món ăn nào hoặc không ăn được món ăn nào là lúc đi chợ, nấu ăn, vợ chồng tôi tránh tuyệt đối, không mua món đó. Đôi khi, mẹ và vợ tôi có những hiểu lầm nhất định. Là người đứng giữa, tôi thường khuyên vợ hãy cố gắng bỏ qua, giải thích cho vợ hiểu rõ tính tình của mẹ để tránh làm những việc khiến mẹ buồn. Với mẹ, tôi cũng lựa lời giải thích cho mẹ hiểu rõ tính ý vợ mình, để mẹ thông cảm, bỏ qua”.

Anh Phan Quốc An (ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành)

Thu Lam

Chia sẻ bài viết