Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chiều 11/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, cải thiện hiệu suất đầu tư công.
Dự báo năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%
Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam dự báo năm 2018 tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức 6,8%, cao hơn mức 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước, kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.
Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu - giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, triển vọng trên vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ công bố. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trình bày những điểm chính trong Báo cáo, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, để tiếp sức cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng những diễn biến vẫn có lợi cho tăng trưởng để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, song song với nâng cao hiệu suất đầu tư công, nâng cao năng suất, sản lượng tiềm năng và hỗ trợ tăng cường các dịch vụ sự nghiệp. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.
Theo ông Sebastian Eckardt, các chính sách cải thiện hiệu quả quản lý nợ công cần được tiếp tục triển khai nhằm tiết kiệm chi phí, chuyển sang dựa nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng lên. Các chính sách nhằm tăng cường tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, kết hợp với việc đẩy mạnh cải cách về môi trường kinh doanh, là điều kiện để thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài.
Cải thiện tính minh bạch các biện pháp phi thuế quan
Là một phần trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, Chuyên đề đặc biệt “Tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và cải thiện tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan,” tập trung bàn về việc đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, Chuyên đề nhận định rằng, mặc dù thuế quan đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên. Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia. Hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa rành mạch và tốn kém.
Giới thiệu nội dung của Chuyên đề đặc biệt “Tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và cải thiện tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan,” ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu khuyến nghị, Việt Nam cần thiết lập một hệ thống biện pháp phi thuế quan tối thiểu và minh bạch với định nghĩa, phân loại thống nhất, nhất quán với các chuẩn mực quốc tế và các mục tiêu chính sách rõ ràng. Việt Nam nên thực hiện một chương trình cải cách sâu hơn bằng cách học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thiết lập một quy trình chuẩn để xem xét và áp dụng phân tích lợi ích chi phí được thực hiện bởi các cơ quan khách quan, có năng lực, để loại bỏ những thiếu sót do thiếu năng lực hoặc lợi ích riêng của các cơ quan quản lý trực tiếp các biện pháp phi thuế quan.
Các cơ quan quản lý biên mậu và các biện pháp phi thuế quan nên áp dụng công tác quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan để đạt được sự cân bằng giữa giảm thiểu rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải với việc tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam đã thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại là một khởi đầu tốt nhưng bước tiếp theo cần phải đảm bảo một bộ máy giúp việc được trao đủ quyền và có kiến thức chuyên môn cần thiết hỗ trợ Ủy ban thực hiện chỉ đạo liên ngành và giám sát việc thực hiện chương trình cải cách các biện pháp phi thuế quan…/.
Theo TTXVN