Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 19:58

Đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 5 thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, giá dầu, các vấn đề về tiền tệ tài chính, tỷ giá, lãi suất...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 27/10, tiếp tục thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình cụ thể về những vấn đề này.

Đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế

Nêu lên 5 thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, giá dầu, các vấn đề về tiền tệ tài chính, tỷ giá, lãi suất..., cùng với đó là thách thức về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. 

Đó cũng là sự tụt hậu và khoảng cách phát triển. GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 2.540 USD nhưng mục tiêu Đại hội Đảng XII đề ra đến 2020 là 3.200-3.500 USD. 

Để đạt được mục tiêu này, trong hai năm tới, GDP phải tăng từ 800-1.000 USD. Đây thực sự là thách thức lớn. Nếu không đạt được mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu sẽ ngày càng giãn ra.

"Về vấn đề hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện đã tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do. Càng tham gia nhiều, việc cải cách, thích ứng, tận dụng cơ hội càng phải được chuẩn bị tốt hơn, nếu không chúng ta sẽ nhận thua thiệt,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cuối cùng là thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ hiện đã chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có một tầm nhìn, bước đi phù hợp, bài bản, tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng này.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kịch bản về một nền tảng kinh tế vĩ mô từ nay đến 2020 để nhận diện được những thách thức trong bối cảnh hiện nay, từ đó có thể chủ động điều hành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù hạn chế của nền kinh tế đã từng bước được khắc phục nhưng bối cảnh hiện nay chứa đựng rất nhiều nguy cơ rủi ro. 

Nhiệm vụ trọng tâm là vừa phải duy trì, củng cố được kết quả đạt được, nhất là việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa các mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế; đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng và đi vào quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững, liên tục trong một thời gian ngắn. 

Cùng với đó, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các nước, tránh nguy cơ tụt hậu.

Đồng tình với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội như các đại biểu nêu tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tới việc thời gian tới, nền kinh tế phải thực hiện mục tiêu kép. 

Đó là vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy phát triển nhưng cũng phải đảm bảo phát triển nhanh để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. 

Mục tiêu này phải được thực hiện dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực được đào tạo tốt hiện nay. 

Đúng hướng và chuyển biến tích cực

Đánh giá vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại, có hai kết quả nổi bật, đó là đúng hướng và chuyển biến tích cực, thể hiện trong toàn nền kinh tế cũng như trong nội bộ của từng ngành. 

“Chúng ta thấy rõ trong cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có những chuyển biến đúng với kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả tích cực,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về hạn chế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực chất quá trình chuyển dịch cơ cấu còn triển khai chậm, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong nền kinh tế. 

Thời gian tới, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của nền kinh tế, của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải thực hiện thực chất, quyết liệt hơn.

Đối với phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2018 dự kiến số lượng doanh nghiệp mới tăng thêm 130 nghìn doanh nghiệp nhưng trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng, chờ giải thể cũng tăng cao. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 4 nguyên nhân, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải, các doanh nghiệp yếu không còn khả năng tồn tại sẽ bị loại khỏi thị trường, thay vào đó là những doanh nghiệp tốt và mới, có điều kiện phát triển. 

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, công nghệ, đất đai, lao động, chi phí logistics đang rất khó khăn. 

Vì vậy, việc các doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động không hiệu quả phải tự rút lui khỏi thị trường là không thể tránh khỏi.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ tháng 4/2018, các địa phương tập trung rà soát số liệu về doanh nghiệp. 

Lần rà soát này, nhiều doanh nghiệp giải thể từ các năm trước chưa được thống kê, tổng hợp tương đối đầy đủ, do đó con số này ở 9 tháng đầu năm nay là tương đối cao. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lập nên để trục lợi chính sách, mua bán hóa đơn… 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể đối với việc phát triển doanh nghiệp.

Có thể đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 

Về mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho biết: Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều có chung một nhận định đây là một mục tiêu đầy thách thức. 

“Tôi nhớ lại, mười mấy năm trước, khi còn tại nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải, vị Thủ tướng của Luật Doanh nghiệp cũng đã đặt ra mục tiêu nước ta có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010. Nhưng chúng ta đã trễ hẹn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này. Vậy lần này câu hỏi được đặt ra là liệu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ có thêm một lần lỡ hẹn?” đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay, tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là doanh nghiệp, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp. 

“Điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh,” đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tính đến thời điểm này đã có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Trong hai năm nữa, cần phấn đấu có thêm 300.000 doanh nghiệp. 

Để đạt được điều này, cần triển khai hỗ trợ các chính sách, chương trình của doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các yếu tố đầu vào, tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn trong nước để là đầu tàu, lôi kéo, tạo sức lan tỏa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay 5,2 triệu hộ kinh doanh chưa chuyển đổi sang doanh nghiệp. Để hỗ trợ các hộ này chuyển sang doanh nghiệp, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch cung cấp các dịch vụ kế toán, đại lý kế toán hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh này, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi dễ dàng hơn sang doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có thể đạt được./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết