Tiếng Việt | English

05/02/2020 - 23:05

Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

Long An là một trong những tỉnh có nhiều lễ hội, nhất là dịp đầu xuân. Đây là nét đẹp văn hóa được bảo lưu và chuyển giao qua nhiều thế hệ.

Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng phản ánh một khía cạnh đời sống tâm linh của người dân và thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Lễ hội còn lưu giữ được nhiều trò diễn dân gian, góp phần bảo lưu nghệ thuật và các giá trị truyền thống của dân tộc, tạo nên tính cố kết cộng đồng.

Đại lễ Kỳ Yên ở đình Tân Phước Tây thể hiện truyền thống trọng công lao và tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng, bồi đắp cho địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải trí của nhân dân, thể hiện tính đoàn kết, bình đẳng trong cộng đồng.    

Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu là sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống và bản sắc địa phương, đạo lý Uống nước nhớ nguồn đối với các bậc tiền nhân có công mở cõi và khai cơ lập nghiệp.

Tục cúng Việc lề ở nhiều nơi trong tỉnh phản ánh một phần lịch sử của công cuộc khai phá đất Long An và Nam bộ. Đây là dịp để những người trong cùng kiến họ gặp nhau thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, củng cố tình thân gia tộc, gắn kết cộng đồng, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. 

Có thể thấy rằng, lễ hội ở Long An từ xưa đến nay luôn gắn bó với các chủ thể văn hóa và hòa quyện vào không gian sinh thái, nơi các lễ hội được sáng tạo ra và đang hiện diện trong đời sống của cộng đồng. Các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn, phát huy nét đẹp lễ hội, làm lan tỏa các giá trị văn hóa do cha ông để lại, đồng thời sáng tạo những giá trị văn hóa mới, bổ sung cho kho tàng văn hóa lễ hội tỉnh nhà ngày thêm phong phú, đậm đà bản sắc./.

Nguyễn Minh Khuê

 

Chia sẻ bài viết