Tiếng Việt | English

08/12/2021 - 10:34

Giúp người dân sinh kế mùa lũ

Các mô hình sinh kế mùa lũ cho người dân như trồng lúa mùa nổi, trồng sen và chuyển giao kỹ thuật rút tơ sen đã và đang triển khai, thực hiện. Các mô hình được đánh giá đạt hiệu quả khá tốt và có nhiều triển vọng nhân rộng trong thời gian tới tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

Mùa lũ về vẫn có việc làm, thu nhập

Các mô hình trồng sen - lúa, chuyên canh sen hoặc sen - cá dù được người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh thực hiện từ hơn 10 năm trước nhưng đa số tự phát, chưa đi vào quy hoạch cụ thể nên còn manh mún và không ổn định. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là người nuôi chưa mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, thiếu kỹ thuật và nguồn vốn trong việc đầu tư. Khi gặp môi trường bất lợi hoặc dịch hại tấn công, giá không ổn định sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trong khi đó, sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả vào mùa lũ, năng suất và sản lượng lúa thấp, thường xuyên bị ngập vào mùa mưa nên hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, nếu không trồng lúa thì người dân không biết chuyển sang cây trồng gì đạt hiệu quả hơn.

Có nhiều nguyên nhân nhưng việc người dân phụ thuộc hầu hết vào độc canh cây lúa do không tìm được mô hình sinh kế phù hợp. Đó cũng là điều trăn trở được đặt ra để các cấp, các ngành, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và triển khai, thực hiện các mô hình sinh kế mùa lũ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, Coca Cola và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai, thực hiện dự án sinh kế mùa lũ giai đoạn 2018 - 2020 tại tỉnh với các mô hình trồng sen lấy hạt, trồng sen lấy ngó, trồng lúa mùa nổi, rút tơ sen. Người dân tham gia những mô hình này của dự án đều được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, được hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật sản xuất. Sau thời gian thực hiện, các mô hình cho thấy hiệu quả tích cực, khả quan cả về kinh tế và triển vọng.

Người dân thu hoạch ngó sen

Mô hình trồng sen lấy hạt được thực hiện tại xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng với tổng diện tích gần 50ha. Theo người dân, bình quân chi phí sản xuất là 24,8 triệu đồng/ha, năng suất bình quân tính 3 tấn gương sen/ha. Giá bán bình quân 25.000 đồng/kg gương sen. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nông dân thu lợi nhuận 50,2 triệu đồng/ha. Mô hình trồng sen lấy ngó thực hiện tại các xã: Vĩnh Châu B, Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), tổng diện tích 24ha. Chi phí sản xuất bình quân cho 1ha ruộng sen là 20,7 triệu đồng. Năng suất bình quân là 2,5 tấn ngó sen/ha. Giá bán bình quân là 20.000 đồng/kg ngó sen. Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng có lợi nhuận 29,3 triệu đồng/ha.

Mô hình rút tơ sen triển khai tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng cũng tạo việc làm, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Để thực hiện mô hình này, các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm đẩy mạnh tập huấn cho nông dân. Còn mô hình sản xuất lúa mùa nổi hiện không còn xa lạ với người dân ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Nếu như năm trước, diện tích trồng lúa mùa nổi chưa tới 30ha thì đến vụ này đã tăng lên 100ha. Theo đánh giá của nông dân, năm trước, chi phí sản xuất bình quân cho 1ha là 7,6 triệu đồng, sau khi thu hoạch, trừ các khoản đầu tư vẫn thu được lợi nhuận 10 triệu đồng/ha.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, một trong những yếu tố quan trọng để người dân tham gia mở rộng diện tích lúa mùa nổi là bởi được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Trong quá trình canh tác, doanh nghiệp còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Nông dân Nguyễn Văn Nghĩ (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại) tham gia sản xuất trong mô hình này, cho biết: "Vụ này, doanh nghiệp bao tiêu với giá 15.000 đồng/kg. Qua theo dõi cho thấy, lúa mùa nổi phát triển tốt, ít bị chuột cắn nên khả năng năm nay năng suất cao. Năm trước chuột phá nhiều, năng suất chỉ xấp xỉ 1 tấn/ha, còn năm nay dự đoán có thể lên tới 1,5 - 2 tấn/ha".

Thu nhập cao hơn thâm canh 2 - 3 vụ lúa

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình trồng lúa mùa nổi, trồng sen, chuyển giao kỹ thuật rút tơ sen trong dự án tạo sinh kế mùa lũ đã mang lại thu nhập cao hơn thâm canh 2 - 3 vụ lúa/năm; tạo việc làm cho người dân trong mùa lũ, tăng thu nhập hàng ngày từ sản phẩm sen, lúa mùa, cá và tơ sen.

Bên cạnh đó, những mô hình trong dự án sinh kế mùa lũ giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cải tạo đất, làm tốt hơn môi trường, đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm mới, thân thiện với môi trường từ hạt sen, ngó sen, lúa sạch, cá tự nhiên và tơ sen.

Trồng sen lấy hạt đang cho thấy hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, mô hình trồng sen, lúa mùa nổi trong dự án đã góp phần tạo thêm vùng trữ nước, tạo môi trường sinh thái đa dạng cây, con, các loại thủy sản trong mùa lũ, tái hiện văn hóa mùa nước nổi địa phương. Ngoài ra, các mô hình sinh kế này dần tạo cho cộng đồng nơi đây kỹ năng sống tốt và thích ứng linh hoạt hơn với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là khi hạn hay lũ lớn và bất thường.

"Hiệu quả mang lại từ các mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng cho các vùng lân cận có điều kiện tương tự, giúp những hộ dân trồng lúa chuyển đổi mô hình canh tác trong mùa lũ sao cho hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống" - ông Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh.

Với những hiệu quả từ thực hiện dự án, tỉnh kiến nghị nhà tài trợ Coca Cola - IUCN tiếp tục hỗ trợ mô hình trồng sen lấy hạt, gương, trồng lúa nổi mùa lũ cho người dân. Những hiệu quả mang lại cũng khẳng định việc trồng sen giảm thâm canh lúa, trữ nước là cần thiết, có lợi cho người dân. Qua đó, mong muốn IUCN nghiên cứu thu hút thêm nguồn tài trợ để hỗ trợ ban đầu phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, kết nối thị trường, chế biến sản phẩm từ sen, tạo đầu ra ổn định cho lúa để nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân.

Bên cạnh những kết quả, quá trình thực hiện dự án sinh kế mùa lũ và từng mô hình cụ thể còn một số hạn chế, khó khăn cần được giải quyết. Đơn cử như thị trường tiêu thụ ngó sen và gương sen không ổn định; người dân chưa biết chế biến sản phẩm từ sen để tăng giá trị sản phẩm; thông tin thị trường về loại lúa nổi mùa lũ cho người dân còn rất ít.

Ngoài ra, việc sản xuất các mô hình thuộc dự án cần nhiều lao động (do chưa cơ giới hóa) nhưng hiện tại, người dân có xu hướng di chuyển vào làm tại nhà máy, khu, cụm công nghiệp nên thiếu nhân công. Mặt khác, biến đổi khí hậu có thể gây mất cân đối nguồn nước, khi thừa, khi thiếu, khi sớm, khi muộn./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết