Minh Họa: Thiện Mỹ
Chiếc xe khách dừng lại ở lưng chừng đèo. Từ chỗ này, Bảo sẽ băng qua một thung lũng trồng toàn hoa và dâu tây. Ngang một hồ nước rộng và xanh nằm gọn lỏn dưới chân núi, Bảo đứng lại ngắm nghía, màu xanh ngắt của lá thông, màu thiên thanh của bầu trời, màu ngọc bích của nước dưới hồ và màu trắng xóa của dòng thác chảy xuống từ thượng nguồn, nước vượt qua tầng tầng lớp lớp đá rồi lọt thỏm giữa lòng hồ.
Bảo về Tây Nguyên khi mai anh đào đã bật ra những cánh hoa hồng tươi từ trong trăm ngàn chiếc nụ non tơ. Lẩm bẩm tính, chắc cũng hơn ba mùa mai anh đào nở rộ, Bảo không về núi. Mẹ mất, mộ mẹ nằm trên ngọn đồi có thông xanh bao phủ. Cha, người mà Bảo chưa một lần được trông nhìn suốt hai mươi lăm năm cuộc đời. Mẹ vẫn luôn nhắc Bảo sau này lớn lên phải đi tìm cha. Mẹ mất, Bảo như con chim nhỏ bơ vơ giữa núi đồi.
Mai Anh thích cái cảm giác ngồi trên cao ngắm thung lũng mỗi khi chiều xuống. Mẹ sinh em ra vào đầu xuân, khi mà mai anh đào đương căng tràn sức sống. Mẹ đặt em tên Mai Anh, cái tên cũng rực rỡ như mùa xuân. Mai Anh có đôi mắt buồn như mùa đông phố núi.
Bảo nhớ rất rõ những gì mình đã nói với Mai Anh, đúng hơn là những lời thề thốt. “Bao giờ dã quỳ thôi mọc ra từ dốc núi, bao giờ thung lũng hết hoa, đồi thông chết rũ… thì khi đó anh mới thôi yêu em!” - Bảo nói vậy. Tay Mai Anh vân vê bông dã quỳ còn sót lại cuối mùa, đầu ngả vào vai Bảo. Đồi thông này đã chứng kiến bao chuyện tình đẹp như cổ tích, chứng kiến Bảo và Mai Anh lớn lên như cây cỏ giữa đại ngàn. Con dốc trở thành nơi hẹn hò. Tình yêu bắt đầu từ thuở hai người còn nắm tay nhau đi hái những bông hoa mọc dại bỏ vào trong cái giỏ nhỏ xíu đan bằng dây mây.
Sau hai lần thư về, Mai Anh không còn nhận được một lá thư nào từ Bảo. Những lá thư đi không hồi âm. Những lá thư viết rồi định gửi, nhưng không gửi, nó cứ đầy dần lên. Lần đó, Mai Anh đưa Bảo lên đèo đón xe về thành phố. Bảo nghĩ cha đang sống đâu đó ở thành phố. Hồi mẹ còn sống, Bảo hỏi mẹ sao cha bỏ hai mẹ con mà đi, mẹ trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Cha không bỏ mẹ, chỉ là không hợp nhau”. Mẹ nói, cha đi khi ánh nắng chiều lấp ló cuối chân trời. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ lấy hết sức bình sinh mà nói với Bảo rằng: “Nhất định phải tìm cha con cho bằng được. Dù cha con có ở cuối đất cùng trời…”. Rồi mẹ đi.
Và Bảo cũng đi. Bảo cầm tay Mai Anh khi vừa lên đến lưng đèo: “Em đợi anh. Tìm được cha thì anh sẽ về!”. Mai Anh vẫn chờ. Mấy đám dạm hỏi, em đều lắc đầu. Mẹ nói: “Mày định chờ thằng Bảo tới bao giờ? Nó không về núi nữa đâu”. Mai Anh vẫn một niềm tin rằng Bảo sẽ quay lại. Hơn hết, trong Mai Anh có một cơ thể sống đang từng ngày, từng giờ. Mẹ em trách “Cái thằng đó tệ thiệt!”, nó hại con gái mẹ lỡ làng, “cái bụng lùm lùm đến chừng đẻ ra đứa nhỏ biết gọi ai là cha?”.
Ngày Mai Anh trở dạ, Tây Nguyên đổ mưa, nước trắng xóa từ dốc núi chảy xuống thung lũng. Bác sĩ thông báo: “Con gái. Cái mũi y hệt mẹ nó!”. Mai Anh kiệt sức nằm thở dốc, đôi mắt ứa nước.
Đi qua thung lũng dâu một quãng, Bảo dừng lại trước ngôi nhà gỗ, ngoài sân có hai gốc mai anh đào cũng đương hồi trổ bông. Bé gái đang ngồi dưới gốc nhặt mấy cánh mai anh đào, thấy người lạ, nó tròn xoe đôi mắt rồi chạy vào í ới gọi “Ngoại ơi”. Người đàn bà đầu đội khăn từ trong nhà bước ra. Thấy Bảo, bà sững sờ trong phút chốc rồi mếu máo: “Mày về rồi đấy à! Mày về mày tìm con Mai Anh đấy à! Không kịp nữa rồi, con ơi! Mày về muộn mất rồi!”.
Một thoáng chưa biết chuyện gì xảy ra, Bảo ngớ người. Đứa con gái thấy người lạ, rụt lại sau lưng bà ngoại. Mẹ Mai Anh dụi mắt rồi nắm tay con bé đi vào trong ngôi nhà gỗ. Bảo đi theo sau. Cả ba dừng lại trước bàn thờ nhỏ đặt ở một góc trong nhà, trên bàn thờ là di ảnh của Mai Anh. Bảo sững sờ. Tim Bảo như vỡ ra trong lồng ngực. Người đàn bà mủi lòng ôm con bé vào lòng, khóc ròng, nếp nhăn ở đuôi mắt ép vào nhau.
Những đoàn khách du lịch không còn lai vãng đến hồ nước màu xanh ngọc bích dưới chân núi. Người ta đã gỡ hẳn cái bảng chỉ đường đến địa điểm du lịch này. Lâu lâu có vài nhóm phượt chuyên nghiệp hay hiếu kỳ đến chụp ảnh và truyền tai nhau câu chuyện về cô gái chết trẻ trong một chiều lao xuống hồ nước cứu lấy đứa con của vị khách du lịch sa chân té xuống hồ nước. Dòng thác đổ ầm ầm từ trên ghềnh đá xuống hồ, cuộn xoáy cuốn đứa nhỏ ra giữa lòng hồ. Đứa trẻ được cứu còn người con gái kiệt sức giữa dòng.
Mộ Mai Anh nằm trên đồi thông. Ngoại vẫn thường dẫn đứa nhỏ lên đồi thông thăm mộ mẹ, rồi chỉ về phía xa khỏi thung lũng, khuất tầm nhìn, về một nơi nào đó xa xăm lắm: “Cha con ở phương đó!”. Mắt đứa bé sáng rỡ, nó vẫn tin rằng nó còn có cha trên cuộc đời này. Còn mẹ nó vẫn ở quanh nó, trong thung lũng này, dưới hồ nước kia, trên đồi thông trăng sáng. Nó hỏi ngoại: “Không biết bao giờ cha về với con?”. Ngoại nghẹn lòng bởi cũng không biết chừng nào Bảo về Tây Nguyên.
Đứa con gái vẫn tin trong lòng Bảo, nó chiếm một vị trí hệt như mẹ Mai Anh xinh đẹp của nó. Nó dụi đầu vào người Bảo. Tiếng “cha” lần đầu tiên được bật ra nghe có vẻ ngượng ngùng, hơi gượng nhưng rồi nó sẽ quen. Bởi tiếng “cha” nó đã từng khát khao được gọi cũng như Bảo đã từng khát khao được gọi “cha ơi” hơn hai mươi năm cuộc đời, mà không biết chừng nào mới được gọi. Có lẽ, con bé ấy hạnh phúc hơn Bảo gấp trăm ngàn lần.
Hai cha con nắm tay nhau đi qua thung lũng, lên đồi thông, chỗ đó có mộ mẹ Bảo, mộ Mai Anh. Dưới ba tấc đất, em đã nằm yên nghỉ, giữa điệp trùng đồi núi. Em chẳng còn vướng nợ trần gian. Chỉ là em không đợi được ngày Bảo về với em, với Tây Nguyên đại ngàn. Em ra đi, chỉ còn lại trên đời đứa con gái giống em như đúc. Bảo quỳ trước mộ em, lặng người. Bảo đã không thể mang lại hạnh phúc cho em, nhưng chắc chắn rằng Bảo sẽ mang lại hạnh phúc cho đứa con gái - kết tinh của tình yêu. Bảo sẽ dắt nó đi qua thung lũng, núi đồi, dạy cho con bao điều hay lẽ phải, sẽ nói với con rằng: Mẹ con vẫn ở Tây Nguyên này, khi mai anh đào nở rộ, mẹ con sẽ về./.
Hoàng Khánh Duy