Tiếng Việt | English

12/08/2023 - 16:11

Hiểu đúng, sử dụng đúng thực phẩm chức năng

Thế hệ 6X chúng tôi rất thích bộ phim “Cô bé từ trên trời rơi xuống” kể về cô bé Maika từ hành tinh khác đến với thế giới loài người chỉ cần nạp năng lượng 1 lần đủ hoạt động trong suốt thời gian ở trái đất.

Khi đó tôi là 1 cô bé biếng ăn và hay mơ mộng, tôi mong ước có 1 dung dịch hay viên uống nào chỉ cần đưa vào cơ thể 1 lần là đủ năng lượng cho 24 tiếng chứ không cần ăn ngày 3 buổi, mỗi buổi 3 chén cơm,… Công nghệ dược phát triển, thực phẩm chức năng (TPCN) ra đời vào những năm 1980 có nguồn gốc từ Nhật Bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp năng lượng cho cơ thể, dinh dưỡng an toàn và tăng sức đề kháng.

Ảnh minh họa

Chúng ta cần biết về 3 khái niệm: Thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

- Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc-xin và sinh phẩm.

 - TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. 

- Mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Như vậy, nếu một sản phẩm sữa dùng đường uống làm da sáng dáng xinh thì mặc dù hiệu quả là khỏe, đẹp, nhưng vì dùng đường uống nên về mặt quản lý lại được xếp vào TPCN chứ không phải mỹ phẩm.

Theo quy chế nhãn, trên hộp thuốc phải có dòng chữ: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” . Chỉ có bác sĩ mới được quyền ra y lệnh thuốc đặc biệt là thuốc kê đơn. Nhãn TPCN phải có dòng chữ “ Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Dược sĩ đại học có trách nhiệm hướng dẫn người dân sử dụng TPCN .

Thuốc tham gia vào hoạt động chuyển hóa của cơ thể làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý, sửa chữa tổn thương trong cơ thể. Thuốc điều trị bệnh trong khi TPCN bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và hỗ trợ điều trị. Thuốc là kết quả của y học chứng cứ còn công dụng của TPCN dựa trên giá trị tiềm năng từ sự suy luận.

Nói dễ hiểu hơn, TPCN là “thêm” chứ không phải “thay” cho thuốc. Khi bệnh nhân bị bệnh nếu không uống thuốc theo y lệnh bác sĩ thì không thể khỏi, còn TPCN chỉ hỗ trợ điều trị,  mà đã là thêm thì có thể khuyên dùng chứ không bắt buộc.

Thực phẩm chức năng (Functional foods) có 4 nhóm chính

- Thực phẩm bổ sung (Food Supplement): bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, probiotic.

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement): là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng có chứa vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

- Thực phẩm dinh dưỡng y học (Medical Supplement, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses): dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, cùng với sự ra đời và sử dụng rộng rãi của TPCN, tỷ lệ thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Ví dụ, sau khi bột mì được bổ sung thêm chất sắt được đưa vào sử dụng ở Jordan, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em đã giảm gần một nửa. Thêm Iod vào muối trắng tỷ lệ bệnh nhân bướu cổ giảm rõ rệt.

Các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần thận trọng, không nên sử dụng TPCN tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền miệng vì một số TPCN hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên.

Về mặt quản lý y tế Việt Nam hiện nay quy định, mỗi nhà thuốc bán lẻ GPP đều có dược sĩ đại học chịu trách nhiệm, họ đều không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn, các chủ chuỗi nhà thuốc cũng rất đầu tư việc tập huấn kiến thức sản phẩm cho nhân viên. Người dân đã đặt trọn niềm tin tưởng vào chuyên gia y tế, nhân viên y tế phải không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức để phục vụ cộng đồng và phải chịu trách nhiệm với việc hướng dẫn sử dụng của mình.

Mong có sự phối hợp tốt giữa ngành y tế với cơ quan truyền thông cùng chung mục tiêu chăm sóc tốt sức khỏe mọi người để giúp người dân hiểu đúng sử dụng đúng TPCN. Câu tuyên ngôn Alma Ata trong hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu “Sức khỏe cho mọi người” vẫn còn nguyên giá trị./.

 DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích