Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 15:46

Hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Thời gian qua, chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của tỉnh Long An ngày càng đi vào chiều sâu. Qua đó, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hướng đến một xã hội văn minh, tốt đẹp.

Thông qua các Câu lạc bộ Môi trường ở xã Tân Trạch, người dân ý thức được việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng không là trách nhiệm của riêng ai

Thông qua các Câu lạc bộ Môi trường ở xã Tân Trạch, người dân ý thức được việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng không là trách nhiệm của riêng ai

Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo

Năm 2014, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, đạt chuẩn xã văn hóa. Để nâng chất và củng cố các tiêu chuẩn xã văn hóa, đồng thời, tiến đến xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2019, xã xác định phong trào TDĐKXDĐSVH là “chìa khóa” hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, xã đưa ra thảo luận, lấy ý kiến nhân dân về các quy ước ấp văn hóa, tiêu chí xét gia đình văn hóa trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm khắc phục căn bệnh thành tích và hình thức. Ngoài ra, xã còn thành lập nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo như mô hình giúp đỡ người nghèo của Hội Chữ thập đỏ, Câu lạc bộ (CLB) Môi trường của Hội Cựu chiến binh, thùng từ thiện tại chùa Thiên Mụ,...

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Trạch - Đỗ Văn Chương chia sẻ: “Năm 2018, Hội Cựu chiến binh xã thành lập 4 CLB Môi trường, mỗi CLB có 7 thành viên nòng cốt. Hình thức hoạt động của CLB là ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn ấp, tuyên truyền cho người dân về nơi tập kết rác, giờ lấy rác,... Qua thời gian thực hiện, người dân nâng cao nhận thức về việc giữ vệ sinh nơi công cộng. Dự kiến, năm 2019, xã thành lập thêm 2 CLB Môi trường”.

Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm gắn với phong trào TDĐKXDĐSVH, năm 2018, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, vận động người dân hiến đất, tiền, ngày công xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn trên 8 tỉ đồng. Qua đó, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, vừa xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt. Điển hình là tấm gương hiến đất làm đường giao thông nông thôn của bà Lê Thị Liên, ngụ ấp 1. Được biết, bà Liên không chỉ hiến 400m2 đất mà còn đứng ra vận động nhiều người cùng tham gia hiến hàng ngàn mét vuông đất, ngày công làm đường giao thông nông thôn.

Tuyến đường giao thông nông thôn được bà Lê Thị Liên hiến đất và vận động nhiều người cùng tham gia

Tuyến đường giao thông nông thôn được bà Lê Thị Liên hiến đất và vận động nhiều người cùng tham gia

Bà Liên bộc bạch: “Làm đường giao thông nông thôn mục đích là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Còn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống là thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc; đồng thời, là cách giáo dục con cháu về lòng thương người, chia sẻ và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Với ý nghĩa này, gia đình tôi sẵn sàng hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động”.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Thời gian qua, nhạc sống, karaoke di động thường gây mất an ninh, trật tự, do đó, nhiều địa phương thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH đã đưa vào quy ước ấp, khu phố văn hóa. Cụ thể, nhạc sống, karaoke không hát trước 6 giờ sáng và phải kết thúc trước 22 giờ. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa - Phạm Chí Cầm cho biết: “Không chỉ đưa vào quy ước ấp văn hóa, xã còn mời các hộ kinh doanh nhạc sống, karaoke di động làm bản cam kết bảo đảm hoạt động đúng thời gian quy định. Trường hợp nào vi phạm, xã sẽ đưa ra nhắc nhở trong các cuộc họp dân; đồng thời, đưa vào bình xét gia đình văn hóa hàng năm. Thông qua cách làm trên, tình hình nhạc sống, karaoke di động đi vào nề nếp”.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí lành mạnh góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập được các địa phương quan tâm quy hoạch, đầu tư từ ngân sách nhà nước và vận động nhân dân cùng tham gia. Xác định được vấn đề này, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, xây dựng và nâng cấp 6/6 ấp có nhà văn hóa - khu thể thao kiên cố và 6 sân bóng chuyền, bóng đá phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Đông - Nguyễn Văn Phơ cho biết: “Phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương thu hút rất nhiều đối tượng tham gia. Qua đó, vừa góp phần rèn luyện sức khỏe, vừa thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Qua đó, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt; xóa bỏ được các hủ tục, mê tín dị đoan; tình làng, nghĩa xóm thêm khắng khít; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Năm 2018, toàn tỉnh có 388.263/388.928 hộ gia đình đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, chiếm 99,5%, cuối năm có 380.419 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 97,5%; 1.035/1.035 ấp, khu phố đăng ký thực hiện mô hình ấp, khu phố văn hóa, cuối năm có 1.019/1.035 ấp, khu phố được công nhận lại và công nhận mới, đạt 98,4%; số người tham gia luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên chiếm 31,42% tổng số dân; 117/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa và văn minh đô thị;...

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết