Tiếng Việt | English

03/08/2022 - 09:36

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý  

Phát huy tiềm năng, lợi thế, thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng, cách đây 2 năm, ông Lê Văn Chinh (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng rau kết hợp nuôi cá, với diện tích 300m2, tổng chi phí đầu tư trên 120 triệu đồng.

Ông Chinh chia sẻ: “Trồng rau theo phương thức truyền thống mất nhiều thời gian chăm sóc, diện tích đất trồng phải rộng, nhất là việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Với những nguyên nhân trên, tôi mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá theo hướng tuần hoàn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, tôi thu hoạch 20 - 30kg rau các loại, với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg; cá thì 3 tháng thu hoạch, với khoảng 300kg cá các loại, giá bán từ 35.000 đồng/kg trở lên. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi từ 12-15 triệu đồng/tháng”.

Với ưu điểm tươi ngon, an toàn nên các sản phẩm rau và cá của ông Chinh được khách hàng đón nhận. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Nguyễn Văn Bình Em thông tin: “Mô hình trồng rau trong nhà màng kết hợp nuôi cá vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, nhất là mô hình đang phát triển theo hướng hữu cơ - hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Với những hiệu quả từ mô hình mang lại, thời gian tới, xã sẽ chọn một số hộ tiêu biểu để nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”.

Mô hình Nuôi ốc bươu đen giúp anh Đỗ Anh Quốc có thu nhập 10 triệu đồng/tháng

Năm 2019, anh Đỗ Anh Quốc (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) có công việc ổn định tại một công ty, với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng. Dù vậy, anh luôn ấp ủ ý tưởng làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nghĩ là làm, anh quyết định nuôi ốc bươu đen lấy trứng và thương phẩm. Nhờ cần cù làm việc và ham học hỏi, anh Quốc đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Theo anh Quốc, diện tích nuôi ốc bươu đen được tận dụng, cải tạo từ mảnh vườn đang trồng mai tại nhà. Do đặc tính ốc dễ chăm sóc nên anh chỉ dành khoảng 30 phút/ngày để chăm sóc ao nuôi hơn 1.000m2. Từ con ốc giống ban đầu chỉ cần nuôi khoảng 4 tháng là thành ốc thịt loại 1, thức ăn cho ốc chủ yếu là bèo, rong, mướp,... Thông qua việc nuôi ốc bươu đen, anh có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Cách đây 4 năm, anh Nguyễn Công Bằng (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) cải tạo 8.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng tắc. Anh Bằng bộc bạch: “Giá phân, thuốc,... ngày càng tăng; đất trồng lúa ngày càng bạc màu nên năng suất thấp và giá lúa bấp bênh, bình quân 1ha trồng lúa sau khi trừ chi phí, chỉ có lợi nhuận 20 triệu đồng/năm. Thấy vậy, tôi quyết định chuyển từ đất trồng lúa sang trồng tắc sau chuyến tham quan mô hình trồng tắc ở tỉnh Bến Tre. Cây tắc rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc nhiều, khoảng 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch, giá bán thấp nhất 5.500 đồng/kg, với lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm”.

Anh Nguyễn Công Bằng (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) (bìa trái) chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng tắc đã mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và nhiều nông dân

Thấy mô hình trồng tắc mang lại giá trị kinh tế cao, anh Bằng chuyển thêm 4.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng tắc; đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho hơn 10 nông dân, với diện tích trên 15ha. Thị trường tiêu thụ tắc chủ yếu ở các chợ đầu mối tại TP.HCM, Hà Nội,... Anh Bằng cho biết: “Chi phí đầu tư cây tắc ban đầu rất cao, bình quân 200 triệu đồng/ha, trong đó gồm lên liếp, cây giống, làm đê bao,... Thế nhưng, chỉ cần 1 năm là nông dân bắt đầu thu hồi vốn, bình quân năng suất năm đầu khoảng 30 tấn/ha, các năm về sau cây càng lớn, tán càng rộng thì năng suất có thể tăng lên gấp 2, 3 lần so với năm đầu. Ngoài ra, mô hình trồng tắc còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 người lao động nhàn rỗi ở địa phương, với thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, đặc biệt hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.

Còn lắm khó khăn

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi thông tin: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Mục tiêu quan trọng nhất trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như một số vùng chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch; một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, cơ giới hóa khó khăn, chi phí lao động, vật tư đầu vào tăng; một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ; một số nông dân còn mua cây giống ở các cơ sở kinh doanh chưa được kiểm soát, quản lý về chất lượng,... Hơn hết, vấn đề tìm đầu ra cho nông sản luôn là bài toán khó cho ngành Nông nghiệp hiện nay”.

Đàn bò của anh Nguyễn Phát Lộc phát triển tốt nhưng điều anh quan tâm là đầu ra

Anh Nguyễn Phát Lộc (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) là một trong những nông dân được hỗ trợ bò giống, kỹ thuật theo Chương trình Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, anh nuôi 53 con bò giống 3B và kem, trong đó 10 con được hỗ trợ từ Chương trình Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về kỹ thuật chăn nuôi, anh Lộc có nhiều kinh nghiệm nhưng vấn đề lo lắng nhất là đầu ra. Anh Lộc chia sẻ: “Gia đình tôi chủ yếu nuôi bò sinh sản và bò thịt. Thế nhưng, hiện nay, gia đình vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định, chủ yếu bò thịt thì bán cho thương lái xung quanh, còn bò giống thì bán cho người quen. Nếu có đầu ra ổn định, gia đình tôi sẽ mạnh dạn đầu tư thêm trang trại”.

Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi lớn trong vùng Đồng Tháp Mười. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: Huyện đang khó khăn về định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cho nông dân sao cho bảo đảm được đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá. Cùng với đó, một số nông dân tự phát chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái nhưng diện tích đất trồng không nằm trong khu đê bao, điều này sẽ rất nguy hiểm khi vào những năm nước lũ lớn. Hiện huyện có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như sầu riêng, mãng cầu, ếch, ốc bươu đen, nấm bào ngư,... nhưng vẫn chưa được bao tiêu về đầu ra, thường xuyên bị thương lái ép giá”.

Bà Trần Thị Mộng Thi cho biết thêm: “Long An là 1 trong 13 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, tỉnh được quy hoạch trồng 60.200ha cây ăn trái ở vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của đề án là hình thành được các vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ; tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây chính là tiền đề để tỉnh khắc phục các khó khăn, hạn chế trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thời gian qua”./.

Long An là 1 trong 13 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tỉnh được quy hoạch trồng 60.200ha cây ăn trái ở vùng Đồng Tháp Mười.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, đặc biệt hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích