Chính quyền địa phương tham quan mô hình kinh tế kết hợp của ông Nguyễn Văn Xiêng
Bên cạnh cây rau, con tôm, thời gian qua, trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An xuất hiện các mô hình cây trồng, vật nuôi mới mang lại thu nhập khá cho nông dân. Trong đó, có mô hình trồng bưởi kết hợp me, ổi và mai vàng của ông Nguyễn Văn Xiêng (khu phố Phước Thuận, thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An). Trước đây, ông Xiêng làm thợ hồ ở các tỉnh miền Tây, nhận thấy mô hình trồng cây ăn trái ở đây cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2016, ông quyết định về địa phương chuyển hơn 4.000m2 đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", trong thời gian chờ cây bưởi lớn cho thu nhập, ông kết hợp trồng ổi, me bán lá.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về việc trồng bưởi, ông Xiêng cho biết, trước khi trồng bưởi, ông tiến hành đào mương, lên liếp nhằm xả phèn, thoát nước vào mùa mưa. Người dân cần chọn lựa những giống bưởi thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Trong quá trình trồng, ông sử dụng phân hữu cơ để bảo đảm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Dựa vào sự phát triển của từng cây bưởi, mỗi nhánh, ông chỉ để 1 trái cho cây không mất sức,... Sau 3 năm trồng, bưởi bắt đầu cho trái. Hiện tại, gia đình ông trồng 170 cây bưởi, 130 cây ổi, 400 cây me. Với mô hình trồng cây kết hợp, mỗi năm ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng 1.300 cây mai vàng, dự kiến tết năm nay sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 30% số lượng cây.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cần Giuộc - Ngô Thị Két thông tin, với tư duy nhạy bén, "dám nghĩ, dám làm", ông Xiêng không ngừng học hỏi, ứng dụng những kiến thức, kỹ thuật được chuyển giao để áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, mở ra một triển vọng mới trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn. Từ đó, giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Như Nguyệt