Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tặng bằng khen cho các hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở
Trợ giúp pháp lý - "điểm tựa" cho người nghèo
Sáng sớm, khi Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TTTGPLNN) tỉnh vừa mở cửa làm việc, ông Tr. (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) đã chờ sẵn để được tư vấn pháp luật. Gia đình ông thuộc diện khó khăn. Nhiều năm trước, cám cảnh sống một mình, không ai nương tựa lúc về già nên ông nhập hộ khẩu cho đứa cháu vào ở chung. Nhưng sự đời mấy ai biết trước, hơn 1 năm nay, đứa cháu của ông thường xuyên hỗn hào, không nghe lời, thậm chí nhiều lần lớn tiếng chửi mắng ông.
Dù nhiều lần khuyên nhủ nhưng đứa cháu vẫn chứng nào tật ấy. Không ít lần, ông bị chính đứa cháu bạo hành tinh thần với những lời lẽ xúc phạm. Ông cũng không biết phải nhờ ai để được tư vấn pháp luật. “Khi tôi dò hỏi thì mấy người gần nhà chỉ đến TTTGPLNN tỉnh để được tư vấn miễn phí. Vậy là sáng sớm, tôi chạy xe xuống đây” - ông Tr. cho biết. Sau hơn 1 tiếng được trợ giúp viên pháp lý tư vấn về vụ việc, ông Tr. khá hài lòng và có những dự định để giáo dục người cháu, giữ tình đoàn kết gia đình. Riêng trong buổi sáng ngày 13/11/2023, TTTGPLNN tỉnh đã tư vấn pháp luật miễn phí cho 3 người dân.
Theo Phó Giám đốc phụ trách TTTGPLNN tỉnh - Đặng Kim Hà, năm 2023, Trung tâm thụ lý 383 vụ việc TGPL, tăng 104 vụ việc so với năm 2022. Trong đó, có 227 vụ hình sự, 30 vụ dân sự; cơ quan tiến hành tố tụng gửi yêu cầu bào chữa, bảo vệ 229 trường hợp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trợ giúp viên pháp lý được phân công phụ trách địa bàn thường xuyên hướng dẫn, phối hợp tốt những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải thích, phát hiện, giới thiệu, thông báo, gửi yêu cầu cho TTTGPLNN tỉnh vụ việc, đối tượng được TGPL. Qua đó, Trung tâm kịp thời thụ lý, cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng TGPL thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, góp phần cùng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng làm rõ, giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật.
Theo bà Hà, để những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ trợ giúp chất lượng, Trung tâm phối hợp Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 27 cuộc truyền thông TGPL ở cơ sở cho người dân và các đối tượng được TGPL trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng TGPL khác với gần 1.700 lượt người dự.
Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp, lắp đặt bảng thông tin TGPL cho UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 161 bảng tin giới thiệu các nội dung như diện người được TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; thủ tục yêu cầu TGPL; địa chỉ, điện thoại liên hệ khi cần được TGPL nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với những đối tượng đặc thù, yếu thế, tạo điểm tựa, niềm tin pháp luật cho các đối tượng thụ hưởng.
Hòa giải ở cơ sở góp phần giữ tình làng, nghĩa xóm
Những năm gần đây, KT-XH phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Song song với sự phát triển, mặt trái của xã hội cũng tăng theo, những tranh chấp trong nội bộ dân cư, nhất là tranh chấp về ranh đất, bờ thửa thường xuyên diễn ra.
Hơn 10 năm làm hòa giải viên ở cơ sở, ông Đinh Thanh Hoàng - Tổ phó Tổ Hòa giải ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tham gia giải quyết hàng chục vụ tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương.
Theo ông Hoàng, đa số các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng dân cư đến từ các tranh chấp quyền lợi liên quan đến đất đai, mâu thuẫn lời qua, tiếng lại hoặc bất đồng quan điểm gây mất tình làng, nghĩa xóm. Có trường hợp, tranh chấp tích tụ nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. “Đơn cử vụ việc tranh chấp ranh đất giữa hộ ông Huỳnh Văn Soạn và ông Trần Văn Trừ tại ấp kéo dài hơn 4 năm. Đỉnh điểm của tranh chấp là khi ông Trừ thuê đơn vị đo đạc ranh đất thì bị ông Soạn vác dao đuổi chạy vào nhà.
Ngay khi nhận được đơn hòa giải, chúng tôi phối hợp các ngành, đoàn thể đến từng nhà tìm hiểu sự việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Khi tìm được điểm mấu chốt trong tranh chấp, Tổ Hòa giải ấp tổ chức hòa giải cho 2 gia đình. Mỗi bên đã chịu nhường một bước để cùng thống nhất chung về phân chia ranh giới đất. Ngay trong buổi hòa giải, cả 2 gia đình đã cùng nhau ra cắm mốc, kết thúc 4 năm tranh chấp kéo dài. đến nay, 2 gia đình trở thành hàng xóm, láng giềng vui vẻ” - ông Hoàng cho biết. Trong 10 năm qua, tại ấp Ngoài, xã Phước Hậu, ông Hoàng cùng Tổ Hòa giải ấp tiếp nhận và hòa giải thành công 38/38 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần giữ vững tình làng, nghĩa xóm, an ninh, trật tự tại địa phương.
Ông Tr. (giữa) cùng người dân đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh để được tư vấn pháp luật
Thống kê của Sở Tư pháp, đến nay, toàn tỉnh có 1.002 tổ hòa giải với 5.989 hòa giải viên trực tiếp tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Đây cũng là lực lượng nòng cốt góp phần củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Giai đoạn 2015-2018, các tổ hòa giải tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 8.082 vụ việc, đạt tỷ lệ trung bình 88,54%; giai đoạn 2019-2022, tiếp nhận 4.424 vụ , tổ chức hòa giải thành 4.060 vụ việc, đạt tỷ lệ trung bình 91,8%.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang phát huy vai trò trong việc giúp các bên tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Thông qua hoạt động hòa giải đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, hạn chế vi phạm pháp luật ở cơ sở cũng như nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"./.
Thụy Anh