1. Đặc điểm cơn ho gà
- Trẻ bị ho từng cơn không thể kiềm chế được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.
- Thở rít vào, xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không thấy tiếng rít trong cơn ho.
- Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà - là một nguồn lây bệnh.
- Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh, có thể kèm theo các triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng.
Khi bị ho gà, trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được...
Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày. Sau đó giảm dần có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
Giai đoạn phục hồi, cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái lại gây viêm phổi.
Để xác định ho gà, dựa trên các kết quả xét nghiệm:
- Bạch cầu tăng cao > 20 .000.
- Lympho ưu thế > 50 % + cấy dịch hầu họng (+), PCR…
2. Điều trị ho gà bằng cách nào?
Ho gà ở trẻ em được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các thuốc điều trị ho gà là kháng sinh nhóm macrolide (erythromycin, azithromycin, clarythromycin) hoặc trimethoprim-sulfamethoxazole nếu có chống chỉ định với macrolide. Thuốc hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu của bệnh khi chưa xuất hiện các cơn ho.
Tùy từng giai đoạn tuổi của trẻ sẽ dùng thuốc khác nhau:
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi có thể dùng kháng sinh azithromycin.
- Trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên có thể dùng các loại kháng sinh như erythromycin, clarithromycin và azithromycin.
- Trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng trimethoprim-sulfamethoxazole.
- Trẻ trên 1 tuổi, trong vòng 3 tuần kể từ khi cơn ho khởi phát có thể sử dụng azithromycin, clarithromycin và erythromycin. Nếu không dùng được các kháng sinh này có thể dùng trimethoprim-sulfamethoxasole.
Kháng sinh là chỉ định đầu tay của ho gà ở trẻ em và cần uống thuốc càng sớm càng tốt. Nhưng khi chưa biết trẻ bị ho do nguyên nhân gì, diễn biến bệnh ra sao… phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc.
Việc sử dụng kháng sinh còn phụ thuộc vào diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Do đó, cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây ho và chỉ định dùng thuốc an toàn, hợp lý.
Với trẻ bị ho gà, các loại thuốc ho không được khuyến cáo sử dụng. Vì vậy, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh, do đó thông thường trẻ cần được nhập viện điều trị và cách ly.
Trong trường hợp trẻ được phép điều trị tại nhà, người chăm sóc trẻ có thể áp dụng một số cách để kiểm soát các cơn ho gà và giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn:
- Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, yên tĩnh
- Bổ sung đầy đủ nước để tránh tình trạng mất nước, trẻ còn bú mẹ nên tăng cường cho bú. Với trẻ đã ăn dặm, có thể cho uống thêm nước trái cây hoặc súp.
- Không nên cho trẻ ăn no trong một bữa mà nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để tránh việc bé bị nôn khi ho.
- Không để trẻ tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc lá vì nó có thể kích thích cơn ho.
- Vệ sinh phòng, đồ chơi, vật dụng cá nhân của bé sạch sẽ, rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ thường xuyên. Hạn chế tối đa việc để bé tiếp xúc với người xung quanh để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ để phòng tránh ho gà.
Với trẻ điều trị tại bệnh viện, sẽ được truyền kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu trẻ ho nhiều đờm, sẽ được hút đờm. Trẻ nôn nhiều gây mất nước sẽ được truyền dịch. Trẻ ho nhiều quấy khóc, khó ngủ sẽ được sử dụng thuốc an thần giúp trẻ ngủ yên.
Ngoài việc dùng thuốc, trẻ cần có chế độ chăm sóc kết hợp với dinh dưỡng đầy đủ.
Người tiếp xúc với trẻ bị ho gà cũng cần uống kháng sinh nhóm macrolide, hoặc trimethoprim-sulfamethoxazole./.
Để phòng tránh ho gà, nên cho trẻ tiêm vaccine ho gà (tích hợp trong quinvaxem, pentaxime, infanrix) vào các thời điểm:
Mũi 1: 2 tháng tuổi.
Mũi 2: 3 tháng tuổi.
Mũi 3: 4 tháng tuổi.
Mũi 4: 16-1 8 tháng tuổi.
Mũi 5: 4-6 tuổi.
|
BS.Trần Công (Sức khỏe và Đời sống)