Dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 vừa qua, đã quy định lại mức thuế thu nhập mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu thấp hơn 3 - 5% so với mức thuế phổ thông. Đây là động thái được cho là tích cực giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ để kích thích sự phát triển của khối doanh nghiệp này.
Khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn không có lãi hoặc sản xuất cầm chừng.
Trong dự thảo Luật đã quy định lại, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ có mức thuế thấp hơn mức thuế phổ thông 5%, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giảm 3%. Theo đó, mức thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ 15%. Với chính sách này, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng sẽ có một số vốn bổ sung để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đặc sản Việt Nam cho rằng, sự hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% xuống còn 15-17% mặc dù không lớn lắm nhưng thực sự đó là sự hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi mà sức – lực của các doanh nghiệp start-up còn hạn chế, cần sự nâng đỡ, hỗ trợ thì sự hỗ trợ này cũng rất tốt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thuế thu nhập giảm xuống còn 15 và 17% chỉ có tác dụng khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh có lãi. Trong khi thực tế, theo thống kê của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn có lãi (tương đương 200.000 doanh nghiệp), còn lại khoảng 70% doanh nghiệp thua lỗ, sản xuất cầm chừng. Do đó, với mức thuế suất nào thì phần lớn các doanh nghiệp này cũng không phải đóng thuế nên không có tác dụng nhiều đến doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, thuế thu nhập giảm xuống còn 17% vẫn chưa đủ, nên bổ sung thêm mức giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Giảm thuế có tác động rất lớn đến phát triển sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, nên có một quan điểm tổng thể về thuế để có một hệ thống thuế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống thuế này đủ để giúp cho những doanh nghiệp mới thành lập năm 2016 – 2020, tức là sau 5 năm có thể nâng cao quy mô lên gấp 2-3 lần và như vậy thì chúng ta mới có một hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để có thể đương đầu với thị trường trong nước và thị trường quốc tế trong thời kì hội nhập”, ông Nguyễn Mại cho biết.
Còn theo ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau.
“Ngoài chính sách giảm thuế nên có chính sách khai báo thuế, thủ tục kê khai thuế của DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần giản đơn hơn, để dễ thực hiện và tuân thủ hơn. Chính sách tín dụng cũng cần thay đổi, chính sách về mặt bằng sản xuất, đặc biệt đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, cần có sự quan tâm hơn để cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với mặt bằng phục vụ cho sản xuất được dễ dàng. Tổ chức những khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với diện tích mặt bằng phù hợp với họ”, ông Nam chỉ rõ.
Theo các chuyên gia kinh tế, hỗ trợ giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) hay cắt bỏ loại hỗ trợ giảm chi phí (thông qua việc giảm lãi suất) giống như việc cho “con cá” chứ không phải cho “cần câu”.
Về lâu dài, Chính phủ cần hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quy định trình tự, thủ tục, chế độ kế toán theo hướng đơn giản. Bên cạnh đó, cần gia tăng hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một hiệu quả, chất lượng./.
Cẩm Tú/VOV-Trung tâm tin