Tiếng Việt | English

18/03/2017 - 19:53

Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn "trên nóng dưới lạnh"

Tinh thần cải cách theo Nghị quyết 35 chưa lan tỏa xuống các cán bộ, công chức hàng ngày trực tiếp làm việc với người dân và doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Nghị quyết 35 của Chính phủ được ra đời.

Qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, đã có tác động tích cực, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, định hình cơ chế hoạt động và tạo ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết này khá chậm trễ.

Nghị quyết 35, có tác động tích cực, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, môi trường kinh doanh vẫn còn bất cập. Có một tỷ lệ không nhỏ cán bộ ở một số tỉnh, sở, ban, ngành không muốn tiếp thu tư duy đổi mới. Có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp phải nằm chờ tới 3 ngày liên tiếp mà vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh tiếp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, vấn đề cốt lõi ở đây là con người, trong đó quan trọng và đi đầu là những người lãnh đạo. Các Sở, ban, ngành không muốn tư duy đổi mới, vẫn vòng vo.

“Giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn nhiều lỗ hổng, thủ tục không giảm mà còn gia tăng. Tảng băng ở các sở, ban, ngành còn rất nặng nề do từng con người. Phối hợp giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước thì giữa nói và hành động còn xa vời”, ông Đệ nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.

Quan điểm giải quyết công việc của nhiều cán bộ, công chức làm lãnh đạo còn chưa thống nhất, mỗi người mỗi quan điểm, ý kiến khác nhau, không có tiêu chí chung nào.
Đặc biệt là bộ máy lãnh đạo cấp dưới, bộ phận trực tiếp tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp, vẫn còn nhiều bất cập. Những tồn tại này đang làm chậm sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

“Chính phủ phải có bộ máy gồm những con người tâm sáng, có năng lực tiếp thu những vấn đề bất cập và cản trở trong sản xuất của doanh doanh nghiệp. Những cán bộ, công chức có thói hư tật xấu, gây cản trở phát triển sản xuất cần phải xử lý như những vụ vi phạm vừa qua”, ông Thản đề xuất.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết 35 đi vào thực tiễn sẽ tạo ra bước đột phá về chính sách nếu tinh thần của Nghị quyết thực hiện được đúng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai, kết quả còn chưa thực sự được như mong muốn.

Không khí cải cách, thực hiện xây dựng Nghị quyết 35 theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo rất hừng hực trong Chính phủ, ở cấp Trung ương và bộ ngành, nhưng xuống địa phương chuyển biến chưa đồng bộ.

“Nhiều địa phương còn lạnh lẽo, tinh thần cải cách chưa chuyển xuống đến các cấp cơ sở, cấp cán bộ công chức hàng ngày làm việc với người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai Nghị quyết chưa tích cực, chưa đồng bộ, tình trạng nóng trên lạnh dưới đang là tình trạng thực hiện Nghị quyết này".

Vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để Nghị quyết 35 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, thì các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện triển khai Nghị quyết, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Việc làm này cần được duy trì thường xuyên và định kỳ, nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có hướng giải quyết kịp thời và ổn thỏa.

Về phía Chính phủ, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và nên có đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh kịp thời những vướng mắc của mình. Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh và có thể ban hành bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Và đặc biệt, cần phải có chế tài xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm luật, gây phiền hà, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp./.

Nguyễn Hằng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết