Từ sự hỗ trợ
Xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, nhiều năm qua, huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn thực hiện tốt việc chăm lo các GĐCS, người có công trên địa bàn, đặc biệt, GQVL để các gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ cấp lãnh đạo, các phòng, ban, đoàn thể huyện đến chính quyền các địa phương trong huyện chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp cho các gia đình trong GQVL. Nhiều GĐCS thông qua các chương trình của huyện vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thành những hộ khá giả, giúp đỡ nhiều người dân khác trên địa bàn có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Lèo được các cấp, ngành của huyện Cần Đước hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống (Trong ảnh: Nhờ số tiền từ nguồn vốn vay và tham gia lớp nghề chăn nuôi giúp ông Lèo sản xuất hiệu quả, vươn lên khá giả)
Trở về sau những năm tháng tham gia bộ đội tại chiến trường biên giới Tây Nam, sức khỏe thương binh hạng 1/4 Trần Văn Lèo, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước suy giảm nên gặp nhiều khó khăn để hòa nhập cuộc sống đời thường. Thế nhưng, với tinh thần, ý chí của người Bộ đội Cụ Hồ cùng sự hỗ trợ, tiếp sức của địa phương, anh Lèo từng bước vươn lên và trở thành hộ khá giả trên địa bàn. Năm 1986, sau khi bị thương, anh xuất ngũ về lại quê nhà.
Để ổn định cuộc sống, anh học nghề may. Tuy nhiên, nghề này không thể giúp gia đình có kinh tế ổn định. Thế là, anh bàn với gia đình vay vốn hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước để chăn nuôi bò. Đồng thời, anh tham gia các lớp đào tạo nghề về chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm dưa hấu, mang lại lợi nhuận khá cao. Bây giờ, gia đình anh Lèo thoát nghèo bền vững, mỗi năm, trừ chi phí, lợi nhuận từ việc chăn nuôi, trồng trọt trên 200 triệu đồng.
Anh chia sẻ: “Gia đình tôi được như ngày hôm nay không chỉ từ nỗ lực của bản thân mà còn nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cấp. Lãnh đạo địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để gia đình phát triển sản xuất. Hiện, gia đình trả hết các khoản vay trước đó, kinh tế ổn định và có được 3 con bò, 2ha ruộng tại xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa; 3.000m2 đất trồng lúa tại địa phương. Vào vụ dưa hấu, gia đình còn mướn thêm ruộng và thuê gần chục nhân công để trồng, tăng thu nhập”.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường thông tin: “Huyện rất chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt trong việc hỗ trợ GQVL. Các hộ tự sản xuất theo nghề được hướng dẫn, đào tạo để phát triển kinh tế. Hàng tháng, hàng quí, các ban, ngành, đoàn thể huyện đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các GĐCS, người có công. Chúng tôi tiếp tục duy trì các chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ GQVL, tạo điều kiện cho GĐCS phát triển kinh tế”.
Vươn lên ổn định cuộc sống
Tương tự như huyện Cần Đước, thị xã Kiến Tường luôn chú trọng tạo việc làm cho các GĐCS. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo luôn có kế hoạch để thực hiện. Bên cạnh đào tạo nghề, giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể thị xã luôn có nhiều biện pháp hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật để các gia đình phát triển sản xuất. Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, các GĐCS trên địa bàn thị xã đều có công việc ổn định, kinh tế bảo đảm và không còn hộ nghèo hay khó khăn.
Ông Lê Duy Tân phát triển sản xuất với nghề nuôi cá, cho thu nhập ổn định (hiện, gia đình ông nuôi khoảng 10.000 con cá, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm)
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, 4 lần bị thương bởi bom đạn của kẻ thù nhưng thương binh hạng 2/4 Lê Duy Tân, ngụ khu phố 5, phường 1, thị xã Kiến Tường hàng ngày vẫn miệt mài lao động, trở thành tấm gương tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh giỏi để người khác học tập. Với nghị lực của người lính Cụ Hồ cùng sự hỗ trợ từ địa phương, người thương binh ấy khai hoang và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Tân chia sẻ: “Hòa bình lập lại, tôi trở về địa phương, gặp rất nhiều khó khăn do sức khỏe bị giảm sút khá nhiều, mỗi khi trái gió trở trời, di chứng từ chiến tranh luôn hành hạ. Cuộc sống lúc ấy rất vất vả, tôi phải làm mướn ở nhiều nơi. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nuôi cá, tôi tích lũy thêm kỹ thuật, kinh nghiệm. Được Hội Cựu chiến binh, Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn, tôi đầu tư nuôi heo kết hợp nuôi cá. Sau nhiều lần phối hợp Khuyến nông khảo sát ao nuôi của gia đình, tôi quyết định chuyển sang nuôi thí điểm tôm càng xanh. Kết quả mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, giúp kinh tế gia đình phát triển bền vững. Từ đó, tôi chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân quanh vùng. Bên cạnh đó, tôi còn được dự tập huấn nuôi bò vỗ béo. Sau nhiều năm, gia đình bảo đảm được kinh tế, hỗ trợ GQVL cho nhiều hộ dân khác. Hiện, gia đình tôi chỉ còn nuôi cá, bò và làm ruộng”.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, hỗ trợ GQVL cho các GĐCS là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của địa phương. Thị xã luôn phối hợp Trung tâm Dạy nghề lựa chọn nghề phù hợp với thực tế của địa phương để dạy cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều hội, đoàn thể địa phương chung tay tham gia hỗ trợ việc làm cho các GĐCS. Đến nay, các GĐCS trên địa bàn đều có việc làm ổn định với thu nhập tương đối, không có hộ nghèo hay khó khăn./.
"Hỗ trợ giải quyết việc làm cho các gia đình chính sách luôn được tỉnh quan tâm, thực hiện. Bên cạnh các lớp đào tạo nghề phù hợp từng địa phương, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật, phát triển sản xuất theo ngành, nghề hướng dẫn, hỗ trợ các chương trình vay vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hay các nguồn vốn huy động của các hội, đoàn thể. Qua đó, giúp nhiều gia đình có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống". Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ |
Thanh Mỹ