Tiếng Việt | English

22/02/2018 - 02:05

Hòa giải viên tận tụy

Hơn 5 năm “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Nguyễn Thái Tôn - Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An giải quyết nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt, mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

Gắn kết hạnh phúc

Đối với hơn 400 hộ dân của ấp 2, xã Thạnh Hòa, ông Tôn như người thân trong gia đình. Hễ gia đình nào có chuyện vui hay buồn, ông đều có mặt. Hơn 5 năm qua, ông hòa giải thành nhiều vụ, việc, giúp không ít gia đình gắn kết, yêu thương nhau sau những ngày “sóng gió”.

Ông Tôn kể, cách đây không lâu, chỉ vì ghen tuông vô cớ vợ ngoại tình, mỗi lần say rượu về đến nhà, một người đàn ông trong ấp “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Không chịu nổi, người vợ viết đơn ly hôn.

Khi nhận được đơn ly hôn, tổ hòa giải họp, xem xét kỹ tình tiết và nhận thấy, mâu thuẫn gia đình chưa đến mức phải “đường ai nấy đi”. Thế nên, ông Tôn cùng các thành viên trong tổ đến tận nhà khuyên giải, góp ý. Kết quả, người chồng hiểu ra vấn đề, người vợ rút đơn ly hôn, cùng nhau làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Thái Tôn (bìa phải) thường xuyên gần gũi, tìm hiểu, động viên người dân

Ông Nguyễn Thái Tôn (bìa phải) thường xuyên gần gũi, tìm hiểu, động viên người dân

Ngoài gắn kết hạnh phúc gia đình, ông Tôn còn phân tích “điều hay, lẽ phải”, hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp từ đường ranh, cái ao, giếng nước đến những bất hòa khi gà, vịt sang ruộng nhà hàng xóm ăn lúa, phá vườn,... “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi trong năm nay là hòa giải thành 6 vụ, chủ yếu về tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình; không xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp” - ông Tôn chia sẻ.

Hợp tình nhưng phải đúng luật

Nhiều năm qua, ấp 2 không có vụ, việc phải chuyển lên chính quyền địa phương, 100% vụ, việc được hòa giải thành tại cơ sở. Theo ông Tôn, vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ hợp tình, hợp lý,
đúng luật rất khó, nhất là các vụ tranh chấp đất đai hay dân sự vì ai cũng muốn mình thắng, không nhường nhịn người khác .

“Để thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, trong quá trình hòa giải, tùy vụ việc, chúng tôi vận dụng những phong tục, tập quán, quy ước ấp và những kiến thức pháp luật liên quan, nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình theo phương châm “đúng - sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn” và xóa tan tranh chấp. Hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn. Ngoài hòa giải thành, hòa giải viên còn phải theo dõi, đôn đốc, thông báo những vấn đề phát sinh trong quá trình hòa giải” - ông Tôn bộc bạch.

Tiếp xúc với các bên nên tìm cách làm lắng dịu những uất ức, cảm xúc rồi tìm hiểu vụ việc, vấn đề cốt lõi để tìm hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Sau mỗi lần hòa giải dù thành công hay thất bại, tổ hòa giải đều họp để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ, việc về sau càng nhanh gọn và hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa - Lê Văn Nam nhận xét: “Ông Tôn là Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 2 rất nhiệt tình, luôn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, gương mẫu trong cuộc sống, giáo dục con, cháu và xây dựng tình đoàn kết trong ấp, được người dân quý mến,...”.

Bằng niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm với công việc, ông Tôn vẫn thường xuyên tìm hiểu các quy định của pháp luật, nhất là những bộ luật mới ban hành để làm tốt hơn công tác hòa giải. Tình cảm yêu mến của người dân trong ấp là động lực để ông tiếp tục hết mình với “nghề” hòa giải cơ sở./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết