Tiếng Việt | English

17/06/2021 - 10:19

Học sinh và mạng xã hội

Mạng xã hội (MXH) trở thành phương tiện giải trí không thể thiếu của học sinh. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là các em có thể đăng ký tài khoản trên MXH và giao lưu, kết bạn, trao đổi nhiều vấn đề khác nhau. MXH trở nên phổ biến và trở thành “bạn thân” của nhiều học sinh. Thế thì MXH tốt hay xấu?

Mạng xã hội (MXH) trở thành phương tiện giải trí không thể thiếu của học sinh. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là các em có thể đăng ký tài khoản trên MXH và giao lưu, kết bạn, trao đổi nhiều vấn đề khác nhau. MXH trở nên phổ biến và trở thành “bạn thân” của nhiều học sinh. Thế thì MXH tốt hay xấu?

Ảnh: Internet

Mạng xã hội - “Người bạn thân” của học sinh

Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn con mình nghiện MXH. Sáng thức dậy, điều đầu tiên con làm là lấy điện thoại "lướt" Facebook, Zalo, thậm chí lúc ăn sáng chuẩn bị đến trường cũng "lướt" mạng. Chiều về đến nhà, con lại "lướt" mạng; bất cứ khi nào rảnh rỗi, con cũng cầm điện thoại. Đó là thực trạng chung hiện nay của giới trẻ.

Nhiều nhóm bạn vào quán cà phê, mỗi người một chiếc điện thoại di động, khám phá những điều thú vị trên mạng, chẳng ai nói với ai lời nào. MXH có gì thú vị mà thu hút các bạn trẻ như vậy? Theo Ngọc Hương (học sinh Trường THPT Hùng Vương, TP.Tân An, tỉnh Long An), điều thú vị nhất của MXH là có thể tự do trao đổi về một vấn đề nào đó mà không bị cha mẹ, người lớn quản lý, nhất là khi tham gia vào các hội, nhóm phù hợp. Hương thích nhất là hội, nhóm dành cho tuổi teen.

Vào đó, các bạn trẻ có thể thoải mái bàn luận, trao đổi về cách ăn mặc, thời trang, cách chăm sóc da dành cho tuổi mới lớn và cả những chuyện “thầm kín”. Vào nhóm mới thấy, ở đây các em có thể thoải mái nói lên tâm sự của mình. Tài khoản A.T tâm sự: “Mình thích bạn ấy nhưng bạn ấy lại có bạn gái rồi! Ngày nào mình cũng mong được nhìn thấy bạn ấy. Hôm qua, lấy hết can đảm nhắn tin nhưng bạn ấy không trả lời. Mình thật sự buồn và đau khổ”.

Phía bên dưới có hàng chục bình luận an ủi, chia sẻ với A.T, trong đó có những lời khuyên hữu ích. Đặc biệt, có bình luận của một người mà tôi nghĩ là giáo viên hoặc phụ huynh bởi câu từ và cách nghĩ khác hẳn các bạn tuổi teen. A.T và người bình luận đó có những trao đổi qua lại mà qua đó, tôi tin chắc A.T sẽ được giải tỏa rất nhiều.

Tham gia một số hội, nhóm dành cho các bạn trẻ mới biết được MXH không “xấu” như một số bậc cha mẹ thường nghĩ. Các em vào MXH để trao đổi, tâm sự và tham gia một số hội, nhóm phù hợp. Trong đó, có những hội, nhóm rất ý nghĩa như giới thiệu, hướng dẫn cách “săn” học bổng, nhóm dạy chơi nhạc cụ, học tiếng Anh,... Mặc dù là những nhóm dành cho tuổi teen nhưng có nhiều thầy cô, cha mẹ tham gia để cùng trao đổi.

MXH còn là nơi cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Các tờ báo, tạp chí cũng thông qua MXH giới thiệu những bài viết hay, thông tin thời sự nên khi “lướt” mạng, các bạn nhỏ của chúng ta cũng có được nhiều thông tin.

Phụ huynh vẫn lo lắng

Những điều kể trên là mặt tích cực của MXH. Bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng có những mặt tiêu cực khiến phụ huynh lo lắng. Đó là việc các em tham gia những hội, nhóm không phù hợp với lứa tuổi, trong đó có nhóm đăng tải những đoạn clip đồi trụy, phía dưới bình luận lại kèm đường dẫn đến những trang web “đen”. Hay đó còn là việc kết bạn tùy tiện dễ dẫn đến việc các em bị lừa đảo. Đã có trường hợp học sinh kết bạn, trò chuyện với người lạ rồi hẹn gặp nhau, bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc có ý đồ xấu,...

Tuy nhiên, không thể vì thế mà phụ huynh cấm các em sử dụng MXH. Điều quan trọng là cha mẹ định hướng con sử dụng MXH như thế nào. Cha mẹ có thể tham gia MXH cùng con để biết con thường vào những hội, nhóm nào hoặc có thể trao đổi cùng con và các bạn của con trên MXH.

MXH không xấu mà mang lại nhiều điều thú vị nhưng mặt trái của nó ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. Thế nên, cha mẹ cần định hướng và quan sát con sử dụng MXH thế nào, hướng con khai thác những điều bổ ích từ MXH./.

Minh Hải

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích