Hệ thống máy sấy lúa hai giai đoạn
Những giải pháp hiệu quả
Trong hội thi lần thứ 15, năm 2016-2017, Ban Tổ chức nhận xét những giải pháp tham gia có giá trị KT-XH được kiểm nghiệm từ thực tiễn. Các giải pháp trong lĩnh vực y - dược có nhiều cải tiến khoa học - kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, mang lại lợi ích cho bệnh nhân và xã hội; các giải pháp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông mang lại hiệu quả trong quản lý hồ sơ; các giải pháp trong cơ khí thì hợp lý hóa và đồng bộ dây chuyền xay xát lúa gạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, lợi nhuận cao hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, kỹ sư Nguyễn Văn Hoài Phong và kỹ sư Trần Chánh Tín, Công ty (Cty) Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An, "bắt tay" chế tạo "Hệ thống sấy lúa hai giai đoạn năng suất 300 tấn/mẻ" hiện đại, hiệu quả hơn. Đây là giải pháp kết hợp giữa kỹ thuật và công nghệ mới, giải quyết được bài toán khó về kỹ thuật và kinh tế, sấy và tồn trữ lúa trong quá trình xay xát. Giải pháp này giúp 2 kỹ sư Phong và Tín đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 15.
Kỹ sư Phong cho biết: "Hệ thống sấy lúa hai giai đoạn không chỉ tăng năng suất mà còn vượt mức yêu cầu về chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện hệ thống được lắp đặt tại Cty Lương thực Vĩnh Long, Cty Lương thực Bến Tre và Cty CV BERILL (Indonesia)".
Giải pháp "Ứng dụng siêu âm trắng đen (2D) chẩn đoán bệnh lý thủng tạng rỗng có khí tự do ổ bụng tại Bệnh viện Đa Khoa Long An" của bác sĩ Đặng Văn Lắm và y sĩ Trình Kim Thủy, Bệnh viện Đa khoa Long An, cũng mang lại nhiều lợi ích. Đây là phương pháp chẩn đoán thủng tạng rỗng mới, thực hiện cho bệnh nhân có sốc nhiễm trùng, nhiễm độc hoặc có dấu hiệu cần theo dõi sát được thực hiện siêu âm ngay tại giường bệnh để chẩn đoán thủng tạng rỗng mà không gây ảnh hưởng đến quá trình theo dõi và điều trị bệnh.
"Giải pháp này rất tiện lợi với bệnh nhân, giúp việc chẩn đoán cận lâm sàng nhanh, bệnh nhân không cần di chuyển đến phòng X-quang hoặc CT. đồng thời, giải pháp có thể lặp lại mà không ảnh hưởng sức khỏe. đặc biệt, đây là giải pháp hữu hiệu với bệnh nhân cấp cứu" - bác sĩ Lắm chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều giải pháp khác mang tính sáng tạo, mới, hiệu quả về mặt kỹ thuật, KT-XH và khả năng ứng dụng cao.
Thúc đẩy phong trào thi đua, sáng tạo
Hội thi lần thứ 15, năm 2016-2017, toàn tỉnh có 27 hồ sơ tham gia dự thi, trong đó, lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, giao thông - vận tải: 10 giải pháp; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông: 5 giải pháp; nông - lâm - tài nguyên và môi trường: 3 giải pháp; y - dược: 6 giải pháp; giáo dục và đào tạo: 3 giải pháp. Đa số giải pháp dự thi là của nhóm tác giả. Mặc dù số lượng giảm so với các hội thi trước nhưng chất lượng một số giải pháp tăng. Hội thi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sáng tạo nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống.
Đoạt giải nhì với giải pháp "So sánh hiệu quả gây tê ngoài màng cứng bệnh nhân tự điều khiển bằng ropivacaine với bupivacaline để giảm đau sau phẫu thuật thay khớp háng và gối", bác sĩ Phạm Tường Linh, Bệnh viện Đa khoa Long An, cho biết: "Giải thưởng là sự ghi nhận công sức của những người đam mê sáng tạo để đưa ra các giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực mình theo đuổi. Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu giải pháp gây tê giảm đau cho sản phụ và tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 16, năm 2018-2019".
Để Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 16 đạt kết quả tốt, thu hút nhiều giải pháp hay trên các lĩnh vực, Ban Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm qua 5 lần tổ chức gần nhất, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng hội thi. Ngoài ra, Ban Tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới hoạt động để hội thi đến gần hơn với các đối tượng tham gia.
Những giải pháp thuộc các lĩnh vực dự thi góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh hiệu quả công việc, mang lại lợi ích cho mọi người và xã hội./.
Ngọc Sương