Tác giả nhỏ tuổi nhất vinh dự đoạt giải ba nhận bằng khen
do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên trao tặng
Những sản phẩm gần gũi với đời sống
Theo nhận xét của Ban Tổ chức cuộc thi, nếu như trước đây, các đề tài đa phần thể hiện ý tưởng là chính thì hiện nay được đánh giá cao hơn về tính kỹ thuật, hiệu quả, khả năng vận hành và ứng dụng vào thực tế. Hầu hết ý tưởng sáng tạo của các em đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự đam mê, khám phá của TTN, nhi đồng.
Nhiều lần đi học về tối, trên con đường từ TP.Tân An về xã Bình Quới, huyện Châu Thành, em Võ Quốc Việt - học sinh (HS) lớp 11A3, Trường THPT Tân An, chứng kiến những ánh đèn đường được thắp xuyên suốt ngay cả khi không có người lưu thông. Từ thực tế đó, Việt nảy sinh ý tưởng thiết kế “Đèn đường thông minh SCL”. Vận dụng những kiến thức được học của bộ môn Vật lý và Tin học, với sự hỗ trợ của thầy, cô và sự tìm tòi, nghiên cứu của bản thân, sáng kiến của Việt đoạt giải nhất cấp tỉnh.
Quốc Việt nói: “Mô hình này hoạt động khá đơn giản dựa trên mạch điều khiển và lập trình của của môn Vật lý, Tin học, tốn ít chi phí. Em lắp mạch điện vào bóng đèn led nhỏ, kèm theo cảm biến siêu âm, cảm biến sáng, cảm biến mưa,... Phần lập trình này nhận biết, kiểm tra được khi nào trời tối và đông người sẽ cho ánh sáng đèn đường đạt tối đa 100%; lúc nào ít người, đèn sẽ tự động giảm độ sáng. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống cảm biến mưa, thiết bị cũng sẽ nhận diện và tự điều chỉnh tốc độ ánh sáng. Mô hình của em góp phần chống lãng phí điện năng”.
Em Võ Quốc Việt - học sinh lớp 11A3, Trường THPT Tân An, kể lại quá trình thực hiện đề tài “Đèn đường thông minh SCL” - mô hình đoạt giải nhất
Thấy người thân phải vất vả lấy quần áo đang phơi khi mưa bất chợt, Lê Tấn Dương - HS lớp 12A10, Trường THPT Đức Hòa, nảy sinh sáng kiến thiết kế giàn phơi quần áo thông minh. Có ý tưởng, Dương bắt tay ngay vào việc nghiên cứu. Từ sản phẩm đầu tay còn nhiều hạn chế, Dương nghiên cứu, khắc phục lỗi và hoàn chỉnh mô hình. Dương cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, thầy, cô và các bạn giúp em rất nhiều. Cô giáo hướng dẫn không chỉ góp ý cho sản phẩm của em mà còn hỗ trợ kinh phí giúp em thuận lợi hiện thực hóa ước mơ”. Sản phẩm của Dương có tổng chi phí khoảng 700.000 đồng.
Sản phẩm của Dương là chiếc tủ phơi quần áo có thể di chuyển được, lắp đặt các hệ thống cảm biến ánh sáng, cảm biến mưa. Nhờ đó, giàn phơi có thể tự động kéo quần áo ra phơi khi trời nắng; thu quần áo vào khi trời tối hoặc có mưa. Sản phẩm còn có thể làm khô quần áo ngay cả khi cất vào bên trong tủ. Với cảm biến hơi nước, nếu quần áo còn ướt, quạt sẽ tự khởi động đến khi khô. Mô hình này giúp người nội trợ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trong việc phơi quần áo, đặc biệt vào mùa mưa. Đề tài này nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo và đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh.
Em Lê Tấn Dương - học sinh lớp 12A10, Trường THPT Đức Hòa, bên mô hình "Giàn phơi quần áo thông minh" - đề tài đoạt giải nhất
Với đề tài “Thiết bị xua muỗi cho công nhân cạo mủ cao su” của Nguyễn Minh Duy - HS lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Hưng, đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia. Bằng phương pháp thông thường, nhang muỗi được đặt trên đầu các công nhân cạo mủ cao su trong khi họ làm việc. Cách làm này không mang lại hiệu quả, vì phần lớn khói bay lên trên nên công nhân vẫn bị muỗi đốt. Hơn nữa, nhang muỗi còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết; phương pháp còn gây nguy hiểm khi tàn nhang rơi xuống đầu người sử dụng.
Từ những quan sát và chia sẻ với công việc cơ cực của cha, Duy sáng tạo dụng cụ chứa nhang đốt muỗi theo một cách hoàn toàn khác. Với thiết kế này, nhang được đốt trong một thiết bị an toàn, tránh bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài. Luồng khói sinh ra sẽ được quạt gió đẩy vào ống dây, thổi ra ngoài. Người sử dụng chỉ cần đeo thiết bị vào người, chỉnh đầu ống đến những vị trí cần xua muỗi. Một dụng cụ không cần nhiều thời gian, không tốn nhiều kinh phí để chế tạo nhưng giúp ích rất nhiều cho những công nhân cạo mủ cao su.
Đề tài “Thiết bị xua muỗi cho công nhân cạo mủ cao su” của em Nguyễn
Chiều 03/01/2018, UBND tỉnh tổ chức tổng kết cuộc thi Sáng tạo TTN, nhi đồng lần thứ 10 và phát động cuộc thi lần thứ 11 năm 2018. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên chủ trì. Cuộc thi được tổ chức đều đặn hàng năm, hưởng ứng cuộc thi Sáng tạo TTN, nhi đồng toàn quốc.
Có 27 đề tài được đưa vào danh sách trao giải: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba và 15 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 5 giải phong trào dành cho các tác giả có hoàn cảnh khó khăn và thí sinh nhỏ tuổi nhất. Đặc biệt, đề tài “Thiết bị xua muỗi cho công nhân cạo mủ cao su” của tác giả Nguyễn Minh Duy - HS lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Hưng, vinh dự đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo TTN, nhi đồng toàn quốc.
|
Sân chơi bổ ích
Số lượng đề tài dự thi những năm đầu còn hạn chế. Sau đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Tổ chức cấp tỉnh, huyện,... số lượng đề tài dự thi tăng dần qua từng năm, dao động từ 700-900 đề tài.
Năm 2017, Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện nhận được 824 đề tài dự thi ở 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Qua vòng thi cấp huyện, có 175 đề tài được gửi về dự thi cấp tỉnh. Theo đó, từng thành viên Hội đồng giám khảo trực tiếp đọc thuyết minh đề tài, vận hành sản phẩm và bàn thảo các đề tài dự thi để cùng đưa ra nhận xét, đánh giá. Những đề tài nổi bật: Giàn phơi quần áo thông minh, bộ chống trộm xe bằng mật khẩu, nón bảo hiểm nhắc cài quai, đấu trí văn học,... Đặc biệt, năm nay, tác giả nhỏ tuổi nhất đoạt giải ba chỉ mới 8 tuổi. Đó là Nguyễn Chí Thiện - HS lớp 2A, Trường Tiểu học Ngô Quyền, thị xã Kiến Tường.
Tham dự cuộc thi, Võ Bách Tùng - HS Trường THPT Tân Trụ, không đặt nặng vấn đề thành tích bởi khi đó là năm học cuối cấp, việc học khá nhiều. Vậy mà đề tài “Nón bảo hiểm nhắc cài quai” của em đoạt giải nhì cấp tỉnh. Em cho rằng, cuộc thi là sân chơi bổ ích, trải nghiệm, thử thách của những bạn trẻ mê sáng tạo. Với Tùng, sáng kiến đoạt giải không chỉ cần đầu óc sáng tạo, cần cù mà phải thật sự hiệu nghiệm và ứng dụng được trong đời sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, biểu dương các tác giả tham gia và đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo năm nay. Ông ghi nhận sự nỗ lực của TTN tỉnh nhà, cho thấy, các em có sự kết hợp rất tốt giữa học và hành. Ông đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các em phát huy khả năng của mình khi tham gia cuộc thi Sáng tạo TTN, nhi đồng năm 2018.
Các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền, tuyên dương điển hình những cá nhân, tác giả đoạt giải trong cuộc thi cũng như trưng bày các sản phẩm cuộc thi của các năm giúp các em khơi nguồn sáng tạo,... Từ đó, nâng cao tính hiệu quả của cuộc thi, đưa phong trào sáng tạo ngày càng sâu rộng trong nhà trường, tạo sự lan tỏa, hỗ trợ của phụ huynh và toàn xã hội./.
Nguyệt Nhi