Dụng cụ tháo lắp bóng đèn compact dễ dàng
Trong cuộc sống hiện đại, bóng đèn compact được sử dụng rộng rãi không chỉ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn ở hộ gia đình. Sản phẩm này vừa phù hợp, nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, việc tháo lắp bóng đèn compact luôn đặt ra vấn đề về bảo đảm an toàn do đặt ở những vị trí cao hay quên tắt nguồn điện khi tháo lắp. Từng biết đến nhiều trường hợp bị tai nạn khi tháo lắp bóng đèn, Trương Quốc Việt - học sinh lớp 12A3 Trường THCS&THPT Long Hựu Đông (huyện Cần Đước) có ý nghĩ chế tạo sản phẩm hỗ trợ việc tháo lắp bóng đèn. Nghĩ là làm, sau khi tham khảo ý kiến của các thầy, cô, Việt tìm những vật dụng gần gũi hàng ngày: Ống nhựa, cây lau nhà, sắt, nhôm,... để nghiên cứu, cho ra đời dụng cụ tháo lắp bóng đèn compact sao cho phù hợp với cả phụ nữ.
Quốc Việt
...và dụng cụ tháo lắp bóng đèn compact
Dụng cụ tháo lắp bóng đèn của Việt gồm 2 phần: Trục tháo lắp (phần chính) và trục giữ đuôi đèn (phần phụ). Trục tháo lắp gồm phần kẹp và phần thân. Phần kẹp, Việt thiết kế đầu kẹp gắn vòng đệm để giảm ma sát, giữ chặt thân đèn và thân kẹp được gắn lò xo để điều khiển đóng - mở kẹp. Tương tự, phần thân thiết kế gồm 2 trục: Trục xoay và trục cố định. Trục xoay gồm trục trong và trục ngoài. Trục trong (cây lau nhà bỏ đầu lau) gắn với thân kẹp để điều khiển kẹp. Trục ngoài (ống nhựa nhỏ dài khoảng 2m) có nút xoay cố định trục trong, bên cạnh có phễu (làm từ ống nhựa lớn đường kính 10cm, dài 10cm) để hứng bóng đèn. Đối với trục cố định, Việt thiết kế tay cầm, nút gài cố định trục xoay và trục cố định, đồng thời còn có giá đỡ trục giữ đuôi đèn. Trong trường hợp bóng đèn compact cố định, muốn thay bóng, ta chỉ cần đưa trục tháo lắp áp sát, nhấn nút xoay tác động đến trục trong điều khiển phần kẹp để tháo bóng đèn, lấy ra và bỏ bóng đèn mới vào phễu, đưa đến vị trí đuôi đèn, ấn nút xoay, bóng đèn mới sẽ được thay thế.
Trương Quốc Việt chia sẻ: “Dụng cụ chỉ cần trục tháo lắp là đủ nhưng em lại phát hiện thêm trường hợp bóng đèn treo lơ lửng, không cố định nên thiết kế thêm trục giữ đuôi đèn. Trục giữ đuôi đèn làm nhiệm vụ cố định đuôi đèn để trục tháo lắp thực hiện dễ dàng hơn”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp Chợ, xã Long Hựu Đông cho biết: “Tôi từng được dùng thử sản phẩm này để tháo lắp bóng đèn, vừa nhanh, vừa tiện lợi, an toàn. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có mặt ở thị trường, nếu có, chắc chắn tôi sẽ mua để gia đình sử dụng”.
ới những tiện ích và ý nghĩa, sản phẩm của Quốc Việt đoạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9 năm 2016.
“Dò đường” cho người khiếm thị
Sau hơn 1 năm bắt tay tìm tòi, nghiên cứu, đôi bạn Đặng Lê Công Minh và Nguyễn Anh Hoàng Phúc - học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Long An hoàn thành sản phẩm “Giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị”. Sản phẩm của Minh và Phúc không chỉ đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9 năm 2016; giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc mà còn giúp người khiếm thị dò đường để họ yên tâm đi lại.
Từ lúc bắt gặp bác người mù bán vé số trên đường, Minh nảy sinh ý tưởng làm một sản phẩm hữu ích để hỗ trợ người khiếm thị, đặc biệt trong việc di chuyển. Ý tưởng của Minh được chia sẻ với người bạn thân là Phúc, vậy là đôi bạn đồng lòng thực hiện việc này.
Để tránh ảnh hưởng đến việc học, đôi bạn bàn với nhau lên thời gian biểu thật cụ thể để vừa học, vừa “dò đường” thành công. Sau những buổi học, đôi bạn thường tranh thủ thời gian buổi trưa khoảng 1-2 giờ đồng hồ bàn bạc, trao đổi ý kiến, lên Internet tìm hiểu các thông tin liên quan và sản phẩm “Giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị” ra đời.
Sử dụng nguyên lý đo lường bằng sóng siêu âm, thông qua bộ cảm biến phát hiện vật cản, đến những nơi địa hình thấp như bậc thang, hố sâu,... phát ra âm thanh kết hợp rung, cảnh báo người sử dụng, vì vậy, giày hỗ trợ người khiếm thị đi lại an toàn, không cần phải nhờ người khác dẫn đường. Không chỉ tiện lợi, giá thành sản phẩm cũng khá thấp, khoảng 430.000 đồng/đôi.
Công Minh (bìa phải) và Hoàng Phúc giới thiệu sản phẩm giày thông minh
Công Minh tâm sự: “Chúng em thống nhất, tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng ngày để có kinh phí thực hiện và đều đặn mỗi tuần dành ra 1 ngày để lang thang ở chợ Nhật Tảo (TP.HCM) tìm linh kiện, phụ kiện cần thiết cho sản phẩm. Đến lúc hoàn thành sản phẩm, chúng em cũng không nhớ rõ lên xuống chợ Nhật Tảo bao nhiêu lần. Nhiều lần thất bại nhưng chúng em không nản mà cùng ngồi lại tìm hướng tháo gỡ, cầu cứu thầy cô, tra trên Internet để hiểu rõ hơn quy trình, nguyên lý. Cuối cùng, sản phẩm hoàn thành, khích lệ tinh thần chúng em rất nhiều, hy vọng sản phẩm giúp ích cho người khiếm thị”.
Theo Hoàng Phúc, năm nay cuối cấp nên bản thân không có nhiều thời gian chăm chút cho sản phẩm. Tuy nhiên, em vẫn tiếp tục nghiên cứu, khắc phục một số lỗi để sản phẩm sớm có thể bán ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Rằng, hội viên Hội Người mù tỉnh - người được sử dụng giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị, cho biết: “Sản phẩm rất tiện lợi, hữu ích, giúp tôi yên tâm khi đi lại. Mong rằng, sản phẩm có thể được phổ biến rộng rãi để hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ như tôi”./.
Thanh Mỹ