Đạt kết quả bước đầu
Đến nay, tỉnh xây dựng 26 mô hình điểm sản xuất theo hướng VietGAP với trên 1.300ha và triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành. Nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học Wehg, nấm Trichoderma, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,... Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Trịnh Hoàng Việt, kết quả bước đầu của mô hình mang lại nhiều hiệu quả, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh; làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng và lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón,... Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trong mô hình, lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Nông dân sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt nhiều hiệu quả
Ông Bùi Văn Trạng - thành viên Tổ hợp tác (THT) Trồng thanh long ấp Thanh Quới, xã Thanh Phú Long, chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng thanh long vào năm 2010, chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên chi phí đầu tư rất cao. Mặt khác, đầu ra của trái thanh long chủ yếu phụ thuộc vào thương lái (do chưa có nhãn hiệu). Ngay khi tham gia vào THT, chúng tôi được hướng dẫn quy trình
sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP: Hướng dẫn ghi chép nhật ký; vệ sinh vườn; không sử dụng phân chuồng chưa qua xử lý; không sử dụng phân, thuốc không rõ nguồn gốc; xây dựng mô hình tưới kết hợp bón phân,... Bước đầu đạt nhiều kết quả, lợi nhuận cao hơn so với trước đây. Hiện THT thực hiện được 25ha với 48 hộ tham gia sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP”.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Phan Đại Bảo cho biết: “Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ƯDCNC của huyện, xã triển khai thực hiện đề án 100ha thanh long ƯDCNC và chia từng năm thực hiện: Năm 2017 thực hiện 30ha tại ấp Bình Xuyên; năm 2018 thực hiện 30ha tại ấp Bình Sơn; năm 2019 thực hiện 40ha tại ấp Bình Sơn. Thời gian qua, xã tích cực vận động nông dân tham gia và thành lập 5 THT với 116 thành viên, diện tích 61,9ha; thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Quới có 36 thành viên, góp vốn 124 triệu đồng; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức sản xuất thanh long ƯDCNC cho nông dân và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Bước đầu mang lại nhiều kết quả, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng lên”.
Vẫn còn khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, để nông dân tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC vẫn còn nhiều khó khăn bởi phần lớn thanh long được tiêu thụ thông qua thương lái, hệ thống các kho thu mua trên địa bàn tỉnh, song do các kho chưa đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc đối với chất lượng trái thanh long nên việc tuyên truyền cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là yêu cầu chất lượng. Tâm lý HTX, kho thu mua, doanh nghiệp còn ái ngại khi tham gia vào thị trường có yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, phần lớn các doanh nghiệp, HTX chủ động, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu của họ mới dám ký kết các hợp đồng tiêu thụ. Phần lớn trái thanh long được tiêu thụ dưới dạng tươi nên áp lực rất lớn khi được mùa làm giá tụt giảm, nhất là vụ thanh long hàng mùa chính vụ, không tận dụng được sản phẩm không đạt yêu cầu xuất khẩu do dịch bệnh đốm nâu trên trái, nên giá trị gia tăng sản phẩm thanh long không cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Hồ Thanh Hùng cho biết: “Để chất lượng sản phẩm bảo đảm xuất khẩu thị trường khó tính, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã thực hiện đề án với 250ha thanh long ƯDCNC giai đoạn 2016-2020. Qua 2 năm thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn: Tâm lý người dân ngại vào THT, HTX; việc triển khai nội dung chứng nhận VietGAP còn nhiều khó khăn do tâm lý nông dân còn ngại đầu ra chưa ổn định; thiếu cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào bao tiêu thu mua sản phẩm; giá thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP và thanh long sản xuất truyền thống không chênh lệch bao nhiêu nên chưa khuyến khích nông dân tham gia”.
Theo ông Phan Đại Bảo, bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai thực hiện đề án còn một số khó khăn: Vì mô hình sản xuất còn mới nên định hướng trong phương thức, quy trình sản xuất còn nhiều khó khăn, các hộ tham gia mô hình còn bận nhiều việc nên việc ghi chép nhật ký sản xuất còn gián đoạn, quên cập nhật. Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, từ nay đến cuối năm 2019, UBND xã tiếp tục phối hợp các ngành, Mặt trận, đoàn thể vận động người dân thành lập THT sản xuất thanh long ƯDCNC, hoàn thành đề án 100ha sản xuất thanh long ƯDCNC trên địa bàn xã.
Để đạt mục tiêu
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để đề án thực hiện được mục tiêu đề ra, thời gian tới, chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm hơn nữa, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hiểu, biết và cùng thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Trong đó, cần giúp người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tổ chức HTX và hướng dẫn HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012 và phát huy nội lực HTX; tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của ban chỉ đạo đối với từng địa bàn được phân công để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, HTX trong ƯDCNC, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình. Trong đó, đẩy nhanh việc xây dựng các HTX điểm ƯDCNC; nhất là củng cố tổ chức, bộ máy, bảo đảm có phương án sản xuất, kinh doanh, được thành viên thông qua, có trụ sở và bảng tên, được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa; tiếp tục hỗ trợ THT, HTX, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh”./.
Hải Phong