Tiếng Việt | English

04/10/2018 - 18:20

Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả

Thời gian qua, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào vùng sản xuất thanh long được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Long An nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu, tăng thu nhập cho nông dân.

Mang lại hiệu quả cao

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 10.310ha thanh long, đạt 102% kế hoạch (10.100ha), bằng 116,6% so cùng kỳ năm 2017, trong đó có khoảng 7.440ha cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An.

Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang là hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Hiện toàn tỉnh xây dựng 14 mô hình ƯDCNC trong sản xuất với diện tích 841,5ha.

Kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng và lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón,...

Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Từ đó, nông dân nhân rộng lên 48 mô hình tưới tiết kiệm với quy mô 36,4ha.

Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao cho nông dân

Tại huyện Châu Thành hiện có trên 8.200ha thanh long, trong đó có gần 1.500ha ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất với 2.275 hộ tham gia.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, thời gian qua, huyện thực hiện nhân rộng mô hình ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất thanh long. Mục tiêu của huyện đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

Hiện huyện xác định xong vị trí, ranh giới vùng sản xuất với hơn 5.300 hộ ở 12 xã, thị trấn tham gia. Việc ƯDCNC giúp nông dân giảm chi phí tưới nước, bón phân, thuận lợi trong việc quản lý dịch bệnh, tăng lợi nhuận; đồng thời thay đổi tập quán canh tác của nông dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ. Qua đó, góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn trên 50 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, trái thanh long trồng trên địa bàn huyện xuất khẩu đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho biết: “HTX đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho xã viên ứng dụng vào sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước trên thế giới, HTX hướng dẫn xã viên sản xuất thanh long theo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, HTX xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thanh long với giá cao”.

Ông Nguyễn Văn Phi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi có 0,7ha thanh long. Thời gian qua, tôi ƯDCNC vào sản xuất và sản xuất theo đúng quy trình VietGAP để có sản phẩm sạch bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện thanh long của tôi được Công ty TNHH MTV Hoàng Phát bao tiêu sản phẩm. Sản xuất ƯDCNC sẽ cho năng suất, lợi nhuận cao hơn so với bình thường”.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Tỉnh đang thực hiện Đề án xây dựng vùng sản xuất thanh long ƯDCNC 2.000ha đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ƯDCNC nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế.

Hiện ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo triển khai tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của nông dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC và bảo đảm được các tiêu chí từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, chống dịch bệnh đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu,...

“Thời gian qua, tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ,... Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và nhu cầu xuất khẩu; góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng; làm tăng uy tín và chất lượng đối với sản phẩm thanh long” - ông Hoàng nhận định./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết