Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 08:22

Hướng về đất Tổ

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao ấy sống trong lòng của bao thế hệ người Việt Nam như một lẽ đương nhiên, việc hướng về cội nguồn, tổ tiên là điều bất biến của dân tộc con Lạc, cháu Hồng.


Thực hiện nghi thức tế lễ trong lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân

Tự hào con cháu Lạc Hồng

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương, cách Đền Hùng (Phú Thọ) khoảng 200km nhưng chưa bao giờ ông Phạm Ngọc Lộc được một lần đến viếng Đền Hùng. Rồi sau này, khi định cư ở Long An hơn 40 năm, ông Lộc vẫn luôn cảm thấy trong lòng có một động lực mạnh mẽ rằng phải về thăm đất Tổ. Vậy là trong một chuyến về quê, ông “một mình một ngựa” vượt 200km đến thăm Đền Hùng. Đó là một buổi chiều mưa, đường lên Đền thờ vua Hùng dốc thoai thoải, mưa phùn rả rích vẫn không ngăn được bước chân người con về thăm đất Tổ.

Cho đến bây giờ, khi có thêm nhiều cơ hội viếng Đền Hùng thì cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên đất Tổ của ông Lộc vẫn không thể nào quên. Kể với chúng tôi về giây phút ấy, ông nói: “Đối với tôi, đó là giây phút vừa thiêng liêng, vừa xúc động, như mình được trở về nơi chôn nhau, cắt rốn. Thắp nén hương lên bàn thờ Tổ, tôi như thấy mình quên hết mọi mệt nhọc, muộn phiền”.

Và trong chuyến đi đó, ông Lộc kể với chúng tôi rằng, ông có cuộc gặp gỡ “đậm đà tình đồng bào, dân tộc” khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má người hành hương bên cạnh. Hỏi ra mới biết, đó là một Việt kiều Đức xa quê nhiều năm. Những năm tháng ở Việt Nam không có cơ hội thăm đất Tổ, sau biết bao năm nơi đất khách, quê người, người Việt kiều ấy quyết tâm về thắp nén hương lên bàn thờ Tổ. Những giọt nước mắt ấy thay cho lời nói thương nhớ quê nhà, tấm lòng hướng về quê cha, đất Tổ.

Ông Lộc bảo rằng: “Với một người định cư miền Nam như tôi mà mỗi chuyến về quê không viếng Đền Hùng còn thấy chưa trọn vẹn, huống hồ là đồng bào xa Tổ quốc nhiều năm”. Vậy mới thấy, dù có đi đâu thì người Việt vẫn không thể nào quên được cội nguồn dân tộc của mình.


Đường Hùng Vương là một trong những tuyến đường chính, rộng và đẹp nhất TP.Tân An

Cũng như bao người con Việt khác, Nguyễn Thị Mỹ Duyên ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh thuộc nằm lòng câu ca dao về ngày Giỗ Tổ từ thời còn học tiểu học. Với Duyên, câu chuyện về cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và cả dân tộc Việt đều chảy chung dòng máu Lạc Hồng là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Duyên có thể quên những công thức, định lý toán học, vật lý hay hóa học vừa mới học xong nhưng với bài học vỡ lòng về cội nguồn dân tộc thì không thể nào quên.

Có thể Duyên không nghe mọi người nhắc về câu chuyện cội nguồn mỗi sớm mai thức dậy nhưng sâu thẳm trong lòng, điều đó luôn tồn tại và được thể hiện sâu sắc bằng tinh thần đoàn kết chống thiên tai và ngoại xâm mà Duyên biết được qua các bài học lịch sử và cuộc sống hàng ngày.

Duyên cho rằng, mọi người không cần phải nói với nhau “chúng ta cùng là con Rồng, cháu Tiên” mỗi ngày, mà tinh thần đồng bào, dân tộc thể hiện bằng sự đùm bọc, yêu thương nhau. Duyên kể: “Nhà em ở Tân Thạnh, tốt nghiệp THPT, em lên TP.HCM học tập. Ở đó, em cảm nhận rõ nét về hai chữ “đồng bào” vì nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Từ thùng bánh mì miễn phí đến trà đá miễn phí, rồi quần áo miễn phí đến cơm miễn phí,... đều là biểu hiện của tinh thần đoàn kết dân tộc, thiêng liêng. Rồi những điều tốt đẹp đó được nhân rộng ra khắp các địa phương. Theo em, đó chính là biểu hiện rõ nét nhất của sự đùm bọc, chở che nhau của người Việt dành cho người Việt, những người cùng cội nguồn với nhau”.


Trường THPT Hùng Vương đang được xây mới tại phường 5, TP.Tân An

"Nước ta dù có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhưng không có di sản nào tác động đến xã hội và nhận thức cộng đồng mạnh mẽ và sâu sắc như Giỗ Tổ Hùng Vương. Đặc biệt, từ khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể thì sức lan tỏa của ngày Giỗ Tổ lại càng mạnh mẽ."

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc

Mong ngày giỗ Tổ

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa cũng có cùng quan điểm về tinh thần hướng về nguồn cội như trên. Ông Quốc khẳng định, từ trong tiềm thức của mỗi người Việt luôn ý thức rõ về tổ tiên, nguồn gốc.

Ông nói: “Minh chứng cụ thể nhất cho tinh thần hướng về đất Tổ chính là câu thơ “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” thì hầu như ai cũng biết. Và tôi nghĩ rằng, hẳn là ai cũng muốn được một lần được về Phú Thọ, đến Đền Hùng thắp một nén hương lên bàn thờ Tổ. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội đó, nên tinh thần hướng về cội nguồn của những người con Việt cũng bộc lộ mạnh mẽ dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự tưởng nhớ thể hiện ở tấm lòng, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với công việc hàng ngày”.

Rồi ông Quốc khẳng định thêm, tinh thần yêu nước và hướng về nguồn cội không thể hiện bằng những sản vật mọi người dâng cúng: Bánh chưng, bánh dày “kỷ lục” chỉ nặng về tính hình thức, tốn kém, lãng phí không cần thiết. Nếu thực lòng hướng về ngày Giỗ Tổ thì chỉ cần một nén tâm hương, một mâm lễ vật cùng tấm lòng thành kính cũng thể hiện được tấm lòng của con Lạc, cháu Hồng.

Ở Long An, nhiều người không có cơ hội được một lần về đất Tổ nhưng tấm lòng hướng về ngày Giỗ Tổ thì vẫn hiện hữu trong tâm thức mỗi người. Nhà thơ Mặc Tuyền khẳng định điều đó khi ông kể cách đây khoảng 3 năm, ông cùng một vài người bạn tổ chức lễ Giỗ Tổ tại TP.Tân An.

Ông nói: “Lúc đó, chúng tôi sắm mâm bánh chưng, bánh dày cùng vài lễ vật khác, tổ chức dâng cúng Tổ tại Công viên TP.Tân An. Hôm đó, chúng tôi chỉ treo băng rôn thông báo nhưng có gần 1.000 người đến tham gia ngày Giỗ Tổ”.

Ông cũng cho rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động lớn, có ý nghĩa với toàn dân tộc, nếu Long An tổ chức lễ giỗ, ông tin rằng sẽ nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người dân. Nhà thơ Mặc Tuyền quả quyết: “Tôi tin chắc rằng, nếu tỉnh nhà tổ chức lễ Giỗ Tổ, ở một không gian ngoài trời rộng và thoáng cùng những nghi thức đầy đủ và ý nghĩa dâng cúng vua Hùng thì sẽ thu hút đông đảo người dân đến tham gia”.

Và để khẳng định điều đó, anh Hà Bảo Xuyên, ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa cho hay, nếu có lễ Giỗ Tổ tại tỉnh, anh sẽ đưa gia đình tham dự. Chưa có cơ hội về thăm đất Tổ nhưng anh khẳng định, nếu có dịp thuận tiện, nhất định phải đến viếng Đền Hùng, để thắp nén hương lên bàn thờ Tổ.

Mùng mười tháng ba là dịp cả nước ta hướng về ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương - một biểu hiện đẹp và trọn vẹn nhất của truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc. Đó là tài sản lớn của cả dân tộc, thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Nguyến Tấn Quốc, nước ta dù có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhưng không có di sản nào tác động đến xã hội và nhận thức cộng đồng mạnh mẽ và sâu sắc như Giỗ Tổ Hùng Vương. Đặc biệt, từ khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể thì sức lan tỏa của ngày Giỗ Tổ lại càng mạnh mẽ. Càng ngày, người dân Việt nói chung và người dân Long An nói riêng càng ý thức sâu sắc về ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, đó là thời điểm để mọi người cùng dừng lại giữa vòng quay hối hả để hướng tấm lòng mình về với Quốc Tổ Việt Nam. Và rồi từ đó, có thêm động lực tiếp tục hoàn thành tốt hành trình của riêng mình./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết