Đội tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản thuộc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần 2 việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định từ ngày 05-14/11.
Cụ thể, đoàn thanh tra sẽ đến và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 05/11 và sau đó đoàn việc tại một số tỉnh. Ngày 9/11, đoàn thanh tra sẽ ra Hà Nội. Từ ngày 11-13/11, đoàn sẽ làm việc với Tổng cục Thủy sản.
Ngày 14/11, đoàn sẽ có cuộc làm việc và báo cáo kết quả với Trưởng Ban Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Sau đó, đoàn sẽ trở về châu Âu.
Ông Trần Đình Luân cho biết, khi nhận được thư chính thức của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản thuộc EC, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo IUU Nguyễn Xuân Cường đã thay mặt Trưởng ban ký quyết định phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về nội dung, hình thức và yêu cầu về nội dung công tác làm việc với đoàn thanh tra.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã có quyết định phân công cho các đơn vị trong Bộ. Theo đó, các đơn vị cũng phải chuẩn bị các nội dung để đón đoàn. Các đơn vị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có kế hoạch chi tiết để đón đoàn. Các đơn vị phải phối hợp với nhau trong thời gian đón đoàn từ ngày 5-14/11.
Ông Trần Đình Luân cho biết, đợt này, đoàn sẽ kiểm tra ngẫu nhiên tại một số tỉnh. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo các tỉnh rà soát và khắc phục những tồn tại của EC cũng như chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra. Hiện nay 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Đến nay, sau 2 năm nỗ lực triển khai các biện pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017; 2 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật Thủy sản.
Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên; trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15 mét là 77 tàu cá.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Viêt Nam. Công tác tổ chức thực thi pháp luật được tăng cường, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức gần 20 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Hiện có 8 tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Có 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá và chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”; ủng hộ việc xây dựng Sáng kiến của ASEAN về thiết lập mạng lưới chống khai thác IUU do EU tài trợ.
Bên cạnh đó, việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã hợp tác với 6 nước để xác minh các trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU.
Để khắc phục khai thác hải sản trái phép IUU, việc kiểm tra, xử lý và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện, hàng tuần các tỉnh đều có báo cáo về Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục cũng như công bố tại tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nêu tên và có những hình thức xử lý, xử phạt đảm bảo tính răn đe,tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Theo ông Trần Đình Luân, đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt các trường hợp vi phạm về khai thác hải sản với tổng số tiền phạt gần 7 tỉ đồng. Dù mới thực thi nhưng các địa phương và các ngành chức năng cũng đã rất quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm về khai thác hải sản, đặc biệt đã có trường hợp ở Bến Tre đã bị xử phạt lên tới 800 triệu đồng./.
Theo TTXVN