Tỉnh Long An có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài trên 134km với Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ). Long An có vị trí nằm liền kề TP.HCM, có chung đường ranh giới với TP.HCM gồm các tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 50, cách trung tâm TP.HCM 40km, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 45km, cảng Cát Lái 40km, cảng Sài Gòn 45km, cảng Hiệp Phước 30km và cảng Bourbon 18km.
Trong những năm tới, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành sẽ kết nối Long An với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) khoảng cách khoảng 80km, đây là điều kiện rất quan trọng để Long An mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện, trong đó có ngành Du lịch. Với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa độc đáo, luôn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch xanh. Do đó, khai thác giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển du lịch xanh tỉnh Long An hiện tại và tương lai.
Thời gian qua, tỉnh Long An luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và di sản thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, tuy nhiên chưa có giải pháp đồng bộ, đột phá để phát triển du lịch xanh, bền vững, chưa tạo điểm đến hấp dẫn du khách mang tính đột phá tầm quốc gia và quốc tế.
Trước thực trạng đó, tỉnh Long An đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; đặc biệt, đối với những di tích đình, chùa, đẩy mạnh việc xã hội hóa, Long An huy động được hàng tỉ đồng từ sự đóng góp của Nhân dân vào việc trùng tu, tôn tạo.
Trên cơ sở thực hiện nghiêm quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, tôn trọng tính nguyên gốc của di tích, Long An đã gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa mà bao đời cha ông bảo tồn và phát triển. Phát huy tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích đạt hiệu quả làm cho bộ mặt di tích đã có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm phát triển có hiệu quả giá trị văn hoá lịch sử phục vụ du lịch.
Thông qua bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bằng việc sưu tầm, bảo tồn phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng; đồng thời, khai thác giá trị đa dạng sinh học và tài nguyên hệ thực vật, cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, nhờ đó năm 2023, Long An đón tổng lượng khách đạt 1 triệu lượt người, tăng 50% so cùng kỳ năm 2022 và tăng 30% kế hoạch năm 2023. Trong đó, có khoảng 16.000 lượt khách quốc tế, tăng 76% so năm 2022, tăng 45% so với kế hoạch; doanh thu ước đạt 560 tỉ đồng, tăng 72% so với năm 2022, tăng 38% so với kế hoạch.
Di sản văn hóa ở Long An đa dạng và riêng có
Hiện nay Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh, nhờ việc xếp hạng đó, các di tích được bảo vệ an toàn trước nguy cơ xâm hại trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều di tích được trùng tu, phục hồi, tôn tạo bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích của Trung ương và ngân sách tỉnh như Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Bình Thành, Vàm Nhựt Tảo, đình Vĩnh Phong, chùa Tôn Thạnh, lăng Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, di tích khảo cổ học Bình Tả,…
Long An là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số và là vùng đất có những truyền thống văn hóa đặc biệt, nơi hội tụ của người dân từ nhiều nơi đến làm ăn, sinh sống, đã tích lũy bản sắc riêng có, tạo nên phong cách con người Long An: “Nhiệt tình, thật tâm, mến khách”. Việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa này có thể bao gồm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trình diễn các nghệ thuật dân gian, và thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng địa phương và du khách.
Tỉnh Long An hiện có hơn 430.000 tín đồ theo đạo (chiếm khoảng 28% dân số); Tôn giáo chủ yếu ở Long An là Phật giáo, đạo Cao Đài, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi Giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư Đạo và Minh Lý Đạo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Những năm qua, đồng bào tôn giáo nơi đây đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tính đến năm 2022 dân số toàn tỉnh Long An đạt 1.763.754 người, mật độ dân số đạt 392 người/km2. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2022 đạt 36%. Long An hiện có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 27 dân tộc thiểu số bao gồm người Hoa, Khmer, Chăm, ... chiếm tỷ lệ 0,2% dân số. Cơ cấu dân tộc trên cho thấy những nét đặc trưng văn hóa, lối sống của người dân Long An nơi văn hóa Việt chiếm vị trí chủ đạo.
Cảnh quan sông nước làng nổi Tân Lập có vẻ đẹp chân phương luôn níu chân du khách thập phương (Ảnh: Hữu Tuấn)
Di sản thiên nhiên ở Long An luôn tạo ấn tượng cho du khách thập phương
Những khảo sát khoa học cho thấy địa hình Long An có xu thế thấp dần từ Tây lên Bắc, ra phía Đông và phía Nam. Địa hình tỉnh Long An được chia thành ba khu vực chính: Khu vực phù sa cổ dọc biên giới, khu vực đồng bằng ngập nước và khu vực cửa sông Vàm Cỏ từ phía bắc Quốc lộ 1A xuống phía Đông Nam.
Khu vực này bao gồm các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An, phía Nam huyện Thủ Thừa và huyện Bến Lức. Đây là khu vực bằng phẳng, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và có mật độ dân số cao. Ở khu vực giáp với Tây Ninh và TP.HCM của tỉnh có địa hình gò, đồi cao hơn. Ở phía Tây, tồn tại địa hình đầm lầy, là một phần của khu vực Đồng Tháp Mười, quanh năm ngập nước.
Long An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 270C - 280C. Trong năm thịnh hành 2 hướng gió chính: Gió mùa Đông Bắc (tháng 10 đến tháng 4) và gió mùa Tây Nam (tháng 5 đến tháng 9). Tỉnh Long An có hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dầy. Sông lớn nhất chảy qua lãnh thổ tỉnh Long An là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia, chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh rồi tới Long An (đoạn trong tỉnh dài 145km, sâu 17 - 21m). Sông Vàm Cỏ Tây cũng bắt nguồn từ Campuchia, chảy qua Long An với chiều dài 160km, độ sâu trung bình 12 – 15m. Hai sông hợp lưu thành sông Vàm Cỏ đổ ra biển tại cửa sông Soài Rạp.
Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp dọc bên hai bờ sông, lưu lượng nước và triều cường quanh năm khá ổn định, khả năng tiếp cận khá dễ dàng với đời sống sinh hoạt của người dân tại các làng quê, nơi còn duy trì những hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống gắn với những sản vật đặc sắc, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền giữ chân du khách thập phương.
Long An có hệ động thực vật phóng phú của hệ sinh thái đầm lầy; hệ thống sông Vàm Cỏ và những hoạt động vùng sông nước được xem là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị để khai thác, tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Long An. Long An là địa phương thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu Long có độ cao trung bình so với mực nước biển chỉ khoảng 2 - 3m, không có sự chênh lệch lớn về độ cao địa hình trong toàn tỉnh nên về mặt tự nhiên có thể nói Long An là một khu vực đồng nhất, giữa các nơi trong tỉnh ít có sự chênh lệch về khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa, đây cũng là cơ sở khoa học về dự báo thời tiết để du khách chủ động trang bị những nhu yếu phẩm thiết yếu trong lộ trình của những chuyến đi khám phá du lịch Long An.
Long An là địa phương có nhiều giá trị cảnh quan sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước và dòng sông Vàm Cỏ; nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Ngoài các giá trị du lịch do thiên nhiên ban tặng và có được hình thành bởi bề dày lịch sử phát triển, Long An còn đầu tư để có được những điểm đến du lịch hấp dẫn.
Có thể nói, Long An là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp sông nước, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị, hội thảo để phát triển du lịch xanh hiện tại và tương lai.
Cầu Vàm Cỏ Tây Mới - cây cầu kết nối tình thương bao năm chờ đợi (Ảnh: Hữu Tuấn)
Hạ tầng du lịch tỉnh Long An từng bước đáp ứng du lịch quốc gia và quốc tế
Để phát triển tương xứng với vị trí ngành kinh tế động lực, trong thời gian qua, tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Long An phát triển; đã đạt được kết quả nhất định như: Trên địa bàn tỉnh, tính đến 2023, có 330 cơ sở lưu trú du lịch được thống kê với 5.040 phòng, trong đó, có 55 khách sạn gồm 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao với tổng số 169 phòng, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao với 10 phòng và 252 cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Công suất sử dụng phòng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 53%...
Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (đã được cấp giấy phép) và 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (5 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép),…Toàn tỉnh có 2.015 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch (trực tiếp và gián tiếp); trong đó, trình độ đại học và trên đại học khoảng 100 người, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 330, đào tạo sơ cấp là 600 người.
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Long An tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đó là du lịch đường thủy sông Vàm Cỏ, du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, du lịch vui chơi giải trí. Tỉnh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chính như du lịch cuối tuần, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông thôn, các sản phẩm du lịch bổ trợ du lịch quá cảnh, du lịch tham quan mùa nước nổi, du lịch tham quan nghiên cứu. Trong đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch mang nét đặc thù và có tính cạnh tranh cao.
Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm triển khai thường xuyên, đặc biệt là công tác quảng bá du lịch ra thị trường nước ngoài. Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành và địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Long An đến thị trường du lịch trong và ngoài nước, góp phần thu hút du khách năm sau cao hơn năm trước từ 30-35%/ năm.
Xác định những hạn chế cơ bản làm ảnh hưởng đến ngành Du lịch Long An từ đó cần có giải pháp đồng bộ khắc phục để phát triển bền vững du lịch xanh
Với những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó có lĩnh vực du lịch) được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của ngành du lịch, cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; công tác quản lý, bảo đảm môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét.
Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách có ý thức, trách nhiệm ngày càng cao về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội ở các địa bàn du lịch, góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế như một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch để đăng ký đầu tư nhưng triển khai dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai; một số hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn manh mún, trùng lắp, tính kết nối, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp, cơ sở du lịch ở trong tỉnh, nội vùng và cả nước chưa chặt chẽ, có tính dài hạn; chất lượng phục vụ du khách còn hạn chế; chưa tạo nhiều sản phẩm du lịch mang tính đột phá, khác biệt tầm quốc gia và quốc tế; hạ tầng dịch vụ du lịch còn có những hạn chế nhất định.
Cơ sở hạ tầng du lịch tuy có nhiều cố gắng, song đến nay chưa có khách sạn 5 sao, chưa có những trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc gia, quốc tế mang tính chuyên nghiệp cao với quy mô 1.000 -1.200 chỗ ngồi để tổ chức các chuỗi sự kiện đa ngành nhằm phát huy thế mạnh du lịch hội nghị, hội thảo,...
Du khách đến Long An ngày càng tăng từ 30- 35%/ năm, đây là con số rất lý tưởng trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên du khách quốc tế quá khiêm tốn so với tổng lượng du khách, năm 2023 Long An đón khoảng 16.000 lượt khách quốc tế, do đó tổng doanh thu ngành Du lịch Long An chưa tương xứng với tiềm năng du lịch so với một số địa phương khác là thực tế.
Số lượng doanh nghiệp lữ hành còn quá khiêm tốn, toàn tỉnh chỉ có 330 cơ sở lưu trú du lịch; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế so với yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập; tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm gần 5,0% nguồn nhân lực ngành du lịch của địa phương.
Đề xuất một số giải pháp phát triển Du lịch xanh tương xứng với định vị ngành kinh tế động lực chủ động hội nhập quốc tế
Để đạt được các mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch Long An trong thời gian tới, tiếp tục xác định là ngành kinh tế thành động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác, bên cạnh các định hướng phát triển du lịch, trong thời gian tới cần tích hợp hệ thống các giải pháp đồng bộ, thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, đầu tư, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch,...
1. Triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành du lịch
Cần triển khai ngay quyết định 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trên địa bàn toàn tỉnh để thu hút các dự án du lịch có sản phẩm du lịch mới; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác du lịch có tính bứt phá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đạt mục tiêu đề ra, trong đó có ngành du lịch như kỳ vọng.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về du lịch và mở rộng tìm kiếm thị trường
Tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch Long An; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch thương mại đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong nước và quốc tế; quảng bá những nét riêng của du lịch Long An để thu hút du khách. Có giải pháp đồng bộ quảng bá hình ảnh văn hoá, phong cách con người Long An: “Nhiệt tình, thật tâm, mến khách” với nội dung và phương thức hấp dẫn, ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá phát triển du lịch xanh trong tương lai.
3. Phối hợp các ngành kinh tế, kỹ thuật có liên quan để khai thác giá trị tổng hợp ngành du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành và xã hội hoá cao, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan dưới sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; lồng ghép các nội dung theo quy hoạch tỉnh về dự án chuyên ngành có liên quan như quy hoạch giao thông, phát triển đô thị, bảo tồn và phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch canh nông,... nhằm khai thác giá trị tổng hợp của ngành du lịch.
Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý ngành du lịch, triển khai đồng bộ du lịch thông minh, đô thị thông minh, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đồng thời, xây dựng, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Long An như rượu đế Gò Đen, Gạo nàng thơm chợ Đào, dứa Bến Lức, Thanh Long Châu Thành, Dưa hấu Long Trì... Hỗ trợ các làng nghề có đủ điều kiện phát triển thành điểm tham quan du lịch.
4. Về đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tương xứng với nhu cầu hội nhập quốc tế
Tập trung đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch chất lượng cao; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát triển du lịch, các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề, các điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu vùng xa. Phát huy tất cả các nguồn lực cả ngân sách và ngoài ngân sách; có giải pháp đồng bộ và hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước cả FDI và ODA nhằm tạo đột phá ngành Du lịch trong thời gian tới.
Huy động các nguồn lực của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ cho yêu cầu liên kết, phát triển tour, tuyến, điểm giữa du lịch của tỉnh Long An với các địa phương trong khu vực để khai thác mạnh mẽ liên kết vùng trong những năm tới.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng vào các khu, điểm du lịch. Trang bị hệ thống biển báo hướng dẫn du lịch để thông tin cho khách du lịch và các phương tiện vận chuyển khách. Phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ tiện ích có chất lượng cao, hệ thống chợ trung tâm. Tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, điện, cấp - thoát nước,… phù hợp với định hướng phát triển đô thị, đặc biệt là thành phố Tân An trở thành thành phố du lịch xanh của cả nước và khu vực.
5. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch-dịch vụ, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Khai thác thêm các điểm tham quan du lịch đủ điều kiện để có thêm nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ yêu cầu mở rộng không gian phát triển du lịch, hình thành thêm nhiều tour, tuyến trên địa bàn tỉnh Long An và các tỉnh, thành trong khu vực.
Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù như du lịch du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch gắn với văn hoá lịch sử; du lịch tham quan khám phá thiên nhiên miền sông nước, sinh thái gắn chinh phục thiên nhiên... Ưu tiên các dự án đầu tư phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của du khách về đêm và mùa mưa. Xây dựng loại hình văn hóa dân gian, tổ chức xây dựng các câu lạc bộ biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc văn hóa dân tộc tại các khu điểm du lịch phục vụ du khách như cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ; xây dựng mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ tại các nhà hàng, các điểm du lịch sinh thái, tuyến du lịch sinh thái miền sông nước.
Xây dựng các chương trình khai thác nghệ thuật văn hoá miền Tây Nam bộ để phục vụ và thu hút du khách. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo mô hình OCOP có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích thích chi tiêu của du khách, phát triển kinh tế ban đêm;
6. Có giải pháp đồng bộ phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, khai thác tối ưu du lịch xanh trong tương lai
Khẩn trương triển khai quyết định 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó chú trọng phát triển đô thị xanh, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ du lịch. Nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và định hướng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng đề án về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về du lịch giữa ngành và địa phương, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý.
Thực hiện xã hội hoá phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản trị du lịch để tạo các cơ sở hạ tầng du lịch đột phá, thu hút các dự án mới xây dựng các trung tâm hội nghị, hội thảo đẳng cấp có quy mô lớn từ 1.000 -1.200 chỗ ngồi, vận hành có tính chuyên nghiệp, khép kín chuỗi dịch vụ sản phẩm du lịch để đáp ứng các hội thảo quốc gia và quốc tế.
7. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về yêu cầu phát triển kinh tế du lịch. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải có những kế hoạch, giải pháp cụ thể để tác động, hỗ trợ cho du lịch - dịch vụ du lịch phát triển, từ đó du lịch - dịch vụ du lịch tác động trở lại để các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành Du lịch và các ngành chức năng trên lĩnh vực quản lý du lịch - dịch vụ nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vừa ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và xây dựng văn hóa giao tiếp, thể hiện sự thân thiện với du khách của lực lượng nhân viên trong các lĩnh vực hải quan, công an, cảng, các phương tiện vận chuyển khách du lịch,… thực hiện chủ trương tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn là chính.
8. Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, dịch vụ du lịch, quản lý giá cả để làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị và quản lý tốt các đối tượng xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong kinh doanh du lịch. Nghiêm cấm các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đến an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Căn cứ vào dự báo dài hạn phát triển ngành du lịch trong xu thế hội nhập, cần bố trí thỏa đáng kinh phí cho ngành du lịch để lập các quy hoạch khu, điểm du lịch mới nhằm kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm mới và tổ chức các cuộc thi nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đào tạo nguồn nhân lực về ngôn ngữ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn,... để đáp ứng thị trường du khách có tiềm năng. Chủ động và sẵn sàng đón tiếp các đoàn khách quốc tế song đảm bảo an ninh quốc phòng; quản lý chặt chẽ và tuyệt đối không để hướng dẫn viên nước ngoài đưa khách nước ngoài đến Long An và hướng dẫn viên trực tiếp không hợp tác với các công ty lữ hành trong nước nhằm hạn chế những rủi ro vì thiếu thông tin hiểu về văn hoá lịch sử của địa phương.
9. Hợp tác quốc tế phát triển ngành Du lịch tương xứng với tiềm năng
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và tương lai, các cửa khẩu của tỉnh Long An ngày càng đón nhiều du khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng, đây là điều đáng quý cho phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch Long An; song các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần cảnh giác, nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội, ma túy len lỏi vào địa phương sẽ gây ảnh hưởng môi trường du lịch và an toàn, an ninh quốc gia.
Song song với thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch khu vực miền Tây Nam bộ với miền Đông Nam bộ; liên kết với các địa phương lân cận để hình thành các trục phát triển du lịch Long An - TP Hồ Chí Minh; Long An - Cần Thơ ; Long An - Vũng Tàu ; Long An - Lâm Đồng nhằm tạo ra liên kết vùng du lịch ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên; xây dựng và thực hiện chương trình liên kết với các hãng du lịch quốc tế, từng bước hình thành các tour du lịch quốc tế Thái Lan - Lào - Campuchia và các quốc gia khác.
Long An là địa phương nằm trong lưu vực sông MêKông, nơi du lịch được các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông MêKông mở rộng và các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ như một phương thức tiếp cận tích cực tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng, du lịch Long An sẽ có cơ hội có được sự hợp tác liên vùng với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông MêKông để phát triển các tuyến du lịch và sự hỗ trợ đầu tư.
Chính vì vậy hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác với các quốc gia Tiểu vùng sông MêKông mà trước hết là Campuchia, Thái Lan, Lào là rất quan trọng. Sự hợp tác có thể trên nhiều lĩnh vực như phát triển tuyến, điểm du lịch, quảng bá hình ảnh, trao đổi thông tin khu vực, khai thác thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong những năm tới./.
Khai thác giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là một giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch xanh ở Long An.Việc bảo tồn và khai thác di sản này không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở Long An.
Thông qua việc tận dụng và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Long An sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước; đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương hiện tại và tương lai.
|
TS. Trần Ngọc Uyển - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Long An