Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:14

Khánh Hậu, nét duyên xưa


Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức

Trong dòng chảy Nam tiến, lưu dân Việt từ vùng Ngũ Quảng đến Giồng Cai Én (Khánh Hậu ngày nay) khẩn hoang lập làng rất sớm từ cuối thế kỷ XVII mà lịch sử dòng họ của Nguyễn Huỳnh Đức là chứng cớ lịch sử và dân tộc học. Cư dân nơi đây đã để lại những giá trị vật chất và tinh thần đậm nét lịch sử và cộng đồng văn hóa Nam bộ.

Dù được phát triển theo hướng đô thị hóa khi tách ra thành 2 phường Khánh Hậu và Tân Khánh vào năm 2009 nhưng Khánh Hậu vẫn giữ nét đẹp truyền thống đối lập với những khu phố trong đô thị sầm uất bởi chất làng mạc, đồng quê, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền Nam bộ hiếm thấy ở đâu đầy đủ như thế, từ tín ngưỡng dân gian như đình, miếu,… đến tôn giáo như chùa, thánh thất, cùng hệ thống lăng tẩm phong kiến, nhà cổ,…

Đình Tường Khánh (Đình Khánh Hậu) lưu giữ 6 đạo sắc phong của 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cùng với Đình Nhơn Hậu là chứng tích lịch sử khai mở và là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã qua các lễ nghi nông nghiệp như Kỳ Yên, Hạ Điền, Thượng Điền, Tống Phong,…

Chùa Diêu Quang dưới tàn cây trôm đại thụ hàng trăm năm tuổi cùng với chùa Thiên Phước và chùa Khánh Điền (phường Tân Khánh) gắn liền với bao giai thoại về vùng đất được khai phá sớm này. Tam Thanh Bửu Điện (phường Khánh Hậu), Thánh Thất Quyết Thắng và Thánh Thất Thủ Tửu (phường Tân Khánh) là những cơ sở tôn giáo Cao Đài.

Chùa Ông (phường Tân Khánh) là thiết chế tín ngưỡng đặc trưng của người Hoa. Đó là chứng tích vật chất cụ thể của quá trình cộng cư Việt - Hoa, sự hình thành và phát triển của một tôn giáo mới, phản ánh một giai đoạn lịch sử tiếp sau trong tiến trình lịch sử đất Nam Bộ.

Ở Khánh Hậu còn có lăng miếu Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức - khai quốc công thần triều Nguyễn, với kiến trúc lăng mộ phong kiến điển hình còn lại ở Nam Bộ cùng hệ thống tư liệu hiện vật cổ gắn liền với nhân vật và thời đại ấy như: sắc, chỉ, chiếu, bộ ván một, kiệu vua Thái Lan tặng, khánh, chuông đồng, tranh truyền thần…Ông được cộng đồng xem như là một vị tiền hiền có công khai cơ, mở đất và là một vị thần tiêu biểu cho lòng trung nghĩa.

Lễ Chu Niên của ông vào 3 ngày mồng 7, 8, 9-9 âm lịch hàng năm từ gần 200 năm nay sau khi ông qua đời (1819) trở thành lễ hội của cộng đồng. Khánh Hậu cũng là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà có kiến trúc truyền thống, trong đó, theo nhóm nghiên cứu đề tài Bảo tồn và định hướng phát triển làng Khánh Hậu của Hội kiến trúc sư, có khoảng 4 căn nhà cổ cần được trùng tu, đưa vào kế hoạch bảo vệ để có thể phát triển dịch vụ du lịch, theo định hướng qui hoạch chung TP Tân An đến năm 2020.

Không phải ngẫu nhiên, Khánh Hậu từ những năm 1950 đến nay là đối tượng nghiên cứu về làng xã Nam Bộ của rất nhiều nhóm khoa học trong nước và cả đến từ Mỹ, Nhật, Canada. Đến thành phố nhỏ Tân An êm đềm bên dòng sông Bảo Định lịch sử và thơ mộng, bạn đừng quên ghé thăm Khánh Hậu để cảm nhận nét duyên xưa của một ngôi làng lắng đọng thời gian./.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết