Tiếng Việt | English

28/03/2023 - 16:28

Khi người trẻ bước ra khỏi 'vùng an toàn'

Dám theo đuổi đam mê, mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, tìm cho mình hướng đi riêng, không nản lòng trước khó khăn, thất bại,... là cách những bạn trẻ bước chân vào con đường khởi nghiệp để thành công và khẳng định bản thân.

Đôi bạn Phan Thị Ngọc Bích - Nguyễn Phương Hoàng Cương đưa giống sâm bố chính về trên vùng đất phèn Đức Huệ

Đôi bạn trẻ cùng khởi nghiệp

Với khát vọng làm giàu và cống hiến cho quê hương, đôi bạn thân Phan Thị Ngọc Bích và Nguyễn Phương Hoàng Cương (huyện Đức Huệ) cùng nhau khởi nghiệp với mô hình trồng và kinh doanh sâm bố chính. Chị Hoàng Cương chia sẻ: “Từ nhỏ, thấy người dân quê mình khổ cực, tôi luôn muốn làm điều gì đó cống hiến cho quê hương. Lớn lên, tôi theo học ngành Y; đồng thời, đem kiến thức đã học nghiên cứu trồng các loại cây dược liệu với mục tiêu vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa giúp người dân quê mình sử dụng được sản phẩm tốt của người Việt”.

Cùng hoài bão nên khi nghe chị Hoàng Cương trình bày về ý định của mình, chị Ngọc Bích mạnh dạn từ bỏ công việc ở TP.HCM về quê khởi nghiệp. Theo đó, năm 2018, chị Ngọc Bích và Hoàng Cương thuê 5.000m2 đất trồng sâm bố chính. Do không có kinh nghiệm, không mua được nguồn giống tốt nên sâm không đạt chất lượng, dẫn đến thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn với những người mới khởi nghiệp.

Chị Ngọc Bích bộc bạch: “Dù thất bại nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Và may mắn đã đến khi chúng tôi gặp được nhà đầu tư nước ngoài quê Long An giúp đỡ bằng việc cung cấp giống sâm chất lượng, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng hiệu quả. Đến nay, diện tích trồng sâm bố chính mở rộng được 5ha và niềm vui lớn nhất của chúng tôi là thành lập được Công ty TNHH Hoàng Ngọc Global với các sản phẩm từ sâm bố chính: Rượu sâm, trà hoa sâm, sâm ngâm mật ong, sâm tươi, sâm sấy khô,...”.

Cánh đồng sâm bố chính chuẩn bị vào mùa thu hoạch (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau khi thành công với mô hình trồng sâm bố chính, chị Ngọc Bích, chị Hoàng Cương nhận được rất nhiều đơn hàng đặt mua hạt giống. Tuy nhiên, cả 2 kiên quyết từ chối bởi không phải loại đất nào cũng trồng được sâm bố chính, thậm chí không nắm được quy trình trồng sẽ dẫn đến thua lỗ, trong khi đó, vốn bỏ ra trồng 1ha sâm từ 200-250 triệu đồng. Chị Hoàng Cương cho biết: “Đất trồng sâm bố chính phải là đất gò, dễ thoát nước để khi vào mùa mưa tránh được bệnh thối củ, rễ. Trước khi xuống giống, đất phải được cày xới, sau đó bón các loại phân hữu cơ. Đất trồng sâm phải luân canh mùa vụ sang trồng các loại cây trồng khác. Do đó, khi nhiều người đặt vấn đề mua hạt giống, chúng tôi đều từ chối vì sợ họ không đủ kiến thức, kinh nghiệm sẽ dẫn đến thua lỗ”.

Bằng tinh thần cống hiến cho quê hương, đôi bạn trẻ Hoàng Cương - Ngọc Bích đưa một dược liệu quý về trồng trên vùng đất phèn Đức Huệ, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm Việt, nhất là khẳng định được giá trị của bản thân đối với quê hương.

“Về quê” giữa lòng thành phố

Trước sự đô thị hóa mạnh mẽ, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Yến và anh Nguyễn Đăng Khoa (chủ vườn Đất Phương Nam - Organic Farm, phường 5, TP.Tân An) luôn mong muốn tái hiện cảnh quê giữa lòng thành phố nhằm giúp các bạn trẻ và thế hệ mai sau hiểu về nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ. Với ý định đó, năm 2019, chị Yến, anh Khoa quyết định “bỏ phố” về quê hiện thực hóa ước mơ. Vốn là dân kiến trúc, anh Khoa lên ý tưởng thiết kế cho mảnh vườn 5.000m2. Tại đây, anh chị dựng lên căn nhà gỗ, mang những món đồ cũ về trang trí thêm nét hoài cổ, đào một ao trồng sen, nuôi cá, dành một mảnh đất nuôi gà, nuôi chó, một quầy bán cà phê, một khu vực dành làm sân khấu cho những buổi giao lưu văn nghệ, một vài túp lều cho du khách nghỉ qua đêm,... Đặc biệt, mảnh vườn của chị Yến, anh Khoa toàn trồng những cây nhà quê như ổi, nhãn, xoài, mãng cầu,...

Hệ thống trồng rau khí canh của vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Yến, anh Nguyễn Đăng Khoa

Điều đáng ghi nhận ở chị Yến, anh Khoa còn là việc biến khu vườn thành địa điểm tham quan cho các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp bằng phương pháp trồng rau khí canh. Khi đến tham quan vườn, các bạn trẻ còn được chuyển giao khoa học, tham quan mô hình.

Chị Yến cho biết: “Vợ chồng tôi mất khoảng 5 năm để lên ý tưởng và hoàn thành hệ thống trồng rau khí canh, sau đó chuyển giao cho nhiều người dân tại TP.HCM. Thấy mô hình hiệu quả, chúng tôi mạnh dạn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trang thiết bị cho các bạn trẻ ở Long An có ý định khởi nghiệp với mô hình làm nông nghiệp sạch. Trồng rau khí canh là phương pháp không cần phải sử dụng đến đất và nước. Thay vì bơm nước lên để nước chảy xuống như thủy canh thì khí canh có hệ thống phun sương ở phía trong phun chất dinh dưỡng và nước trong không khí, hạn chế việc ngập nước rễ cây. Qua đó, chất lượng rau ngon và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Được biết, hiện nay, chị Yến, anh Khoa trồng 8 hệ thống rau khí canh gia đình, mỗi hệ thống 6 trụ và 2 hệ thống rau khí canh nhà vườn, mỗi hệ thống 20 trụ. Bình quân, mỗi trụ khí canh cung cấp 23-28kg rau/tháng, bán với giá trên 35.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ là các cửa hàng kinh doanh rau sạch.

Hai từ “khởi nghiệp” chưa bao giờ dễ dàng đối với các bạn trẻ. Thế nhưng, bằng tinh thần "dám nghĩ, dám làm", dám bước ra khỏi "vùng an toàn" để tìm cho mình hướng đi riêng, đôi bạn Hoàng Cương - Ngọc Bích; vợ chồng chị Yến, anh Khoa không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp nhưng còn băn khoăn, do dự./.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các ban chuyên môn tập trung nghiên cứu các tài liệu liên quan đến khởi nghiệp để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin của Đoàn, Hội để thông tin các chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đồng thời, giới thiệu, nhân rộng về các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, diễn đàn về khởi nghiệp, đặc biệt là việc tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, mời các chuyên gia, doanh nhân thành đạt chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần truyền lửa, động lực cho thanh niên. Tỉnh Đoàn sẽ tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Lê Thị Hồng Kết 

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết