Mang lại hiệu quả
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An thành công trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây thanh long. Hiện, toàn tỉnh có 7.966ha thanh long, trong đó 6.645ha cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ.
Chuyển đổi cơ câu cây trồng mang lại hiệu quả nhưng vẫn còn khó khăn
Theo anh Nguyễn Thanh Bình (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành): “Trồng thanh long lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Với 1ha thanh long, gia đình tôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện, thanh long ruột trắng bán với giá 10.000-14.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 25.000-35.000 đồng/kg”.
Rau cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.330ha rau các loại. Ông Trần Phước Đạo (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi tham gia Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp, trồng rau theo hướng VietGAP. Gia đình tôi trồng khoảng 0,3ha rau màu, trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm”.
Bên cạnh thanh long, rau thì chanh là một trong những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế. Toàn tỉnh có 9.063ha chanh, trong đó có 5.866,5ha cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.
Anh Nguyễn Văn Thơ (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) cho biết: “Trước đây, gia đình trồng cây mía nhưng năng suất và giá trị kinh tế không cao. Sau đó, tôi quyết định chuyển sang trồng chanh, mỗi năm thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Nhưng hiện nay, giá chanh có hạt từ 6.000-13.000 đồng/kg, chanh không hạt từ 11.000-16.000 đồng/kg, nông dân lãi không nhiều”.
Vẫn còn khó khăn
Nhiều nông dân sau khi chuyển đổi cây trồng gặp khó khăn khi đầu ra sản phẩm không ổn định. Ông Trần Văn Khải (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 0,5ha đất sản xuất lúa không hiệu quả. Gần đây, tôi chuyển sang trồng thanh long nhưng lại lo lắng khi không tìm được mối tiêu thụ”.
Dù năng suất những loại cây trên luôn đạt khá cao nhưng do đầu ra sản phẩm quá khó khăn khiến nhà nông không yên tâm canh tác, nhất là đối với dưa hấu, ớt, mè,... “Có vụ, tư thương đến tận ruộng giành giật nhau mua với giá rất cao nhưng có mùa, họ chẳng thèm đến. Và lâu nay, chuyện nhà nông bỏ dưa hấu chín rục ngoài ruộng không phải là hiếm” - ông Khải chia sẻ thêm.
Chuyển đổi cây trồng gặp khó khăn khi đầu ra sản phẩm không ổn định
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Toàn huyện có khoảng 6.000ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa. Những năm qua, nhiều địa phương chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long, rau màu; tuy nhiên, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Năm 2016, toàn huyện có khoảng 200ha thanh long nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, diện tích trồng thanh long tăng lên gấp đôi. Hiện, thanh long trên địa bàn huyện chủ yếu bán cho các thương lái ngoài huyện, ngoài tỉnh. Khó khăn của nông dân trồng thanh long là chưa liên kết sản xuất, chưa có kho chứa, thiếu nước ngọt, nước tưới, nhất là vào mùa khô. Nhằm hỗ trợ nông dân trồng thanh long, huyện chủ trương tạo điều kiện để nông dân đào ao trữ nước ngọt, hạ bình điện, liên kết xúc tiến đầu ra cho sản phẩm để nông dân ổn định sản xuất. Hiện, Tân Trụ thành lập được Hợp tác xã Thanh long Mỹ Bình tại xã Mỹ Bình”.
Để chuyển đổi hiệu quả
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Để chuyển đổi thành công, phải có hạ tầng sản xuất thuận lợi, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân. Tiếp tục ứng dụng phương tiện cơ giới vào canh tác, thu hoạch, giảm công lao động. Giám sát chặt chẽ, không để tình trạng chuyển đổi ngoài quy hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa, cung vượt cầu”.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư một số cây, con thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chủ lực và có lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh một số cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, Long An xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với sự lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch),...
Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gồm: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khảo sát, đánh giá nhu cầu và yêu cầu của thị trường để có định hướng phù hợp./.
Lê Huỳnh